Thú vị từ chuyện bảo vệ
Chúng tôi lên Hải Vân quan vào một buổi sáng giữa tuần. Tấp nập, nhộn nhịp khách tây, khách ta - đó là cảm nhận đầu tiên khi đặt chân tới đây.
Khác hoàn toàn với tiết trời oi nồng ở dưới phố, trên Hải Vân quan không khí mát lành. Nhìn về phía Bắc - huyện Phú Lộc (tỉnh Thừa Thiên Huế- nay là thành phố Huế) hay phía Nam là Đà Nẵng đều thấy mây trắng, biển xanh trải dài, đẹp đến nao lòng.
Qua dăm bậc thềm, gặp bác bảo vệ Nguyễn Thanh Sáu ngồi bên chiếc bàn ngay ngắn cùng cây viết, cuốn sổ. Mỗi nhóm khách đến bác đều đặn đánh dấu lại số lượng. “Trung bình mỗi ngày gần 1.000 khách, ngày lễ thì đông khỏi nói” - bác Sáu vừa ghi vừa nói.
Du khách thích thủ trải nghiệm khám phá Hải Vân quan
“Bác ơi, chỗ này đẹp quá, bác có thể chụp giùm tụi con tấm hình kỷ niệm” - một nhóm du khách từ thành phố Hồ Chí Minh bước tới nhờ, bác Sáu mỉm cười cầm điện thoại căn, chỉnh rồi bấm.
“Cũng khá lâu rồi tôi mới đi lại đèo Hải Vân và lên đỉnh đèo này. Quá bất ngờ bởi nơi đây đã thực sự sống lại. Không chỉ các di tích mà thời tiết, không gian ở đây mùa này đẹp ngỡ ngàng” - ông Trần Hữu Thuận (ở thành phố Hồ Chí Minh) vui vẻ nói.
Ngơi tay ông Sáu kể ông là người gốc ở phường Hòa Hiệp Bắc (quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) - nơi gần đèo Hải Vân nhất.
Mấy tháng trước ông tham dự cuộc phỏng vấn vào làm bảo vệ diễn ra cũng ngay trên Hải Vân quan này. 8 người bảo vệ trúng tuyển thì trong đó 1 nửa là người Đà Nẵng và 1 nửa là người Thừa Thiên Huế. “Mỗi ca trực đều có người Huế, đều có Đà Nẵng. Đồng phục bảo vệ chúng tôi mặc là của Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế” - ông Sáu chỉ vào áo, nói.
Du khách chụp ảnh kỷ niệm với Hải Vân quan
Phóng tầm mắt ra xa, ông Sáu tiếp lời: “Hồi xưa cuộc sống nghèo khó lắm, tụi tôi phải lên đèo đi củi. Những khi trời giông gió ầm ầm là chui vô khu ni tránh mà hôi hám, xập xệ…kinh người. Chừ thì khác hẳn rồi”.
Dấu mốc hồi sinh
Không chỉ ông Sáu, mà ký ức của nhiều người dăm mười năm trước khi qua Hải Vân quan vẫn còn ám ảnh, xót xa bởi sự xuống cấp, ô nhiễm, cây cỏ dại phủ lối và đứng trước nguy cơ có thể sụp đổ bất cứ khi nào.
Nghệ sĩ nhân dân Huỳnh Văn Hùng - nguyên giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao thành phố Đà Nẵng nhớ lại những năm 2016 trở về trước, Thừa Thiên Huế (nay là thành phố Huế) và Đà Nẵng đều coi Hải Vân quan là của mình bởi địa giới hành chính giữa hai địa phương chưa được xác định cụ thể.
Còn ông Huỳnh Đình Quốc Thiện - Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng nhớ lại, vì di tích nằm ở ranh giới giữa 2 địa phương nên để công nhận cho một địa phương là Thừa Thiên Huế (nay là thành phố Huế) hay Đà Nẵng sẽ rất khó. Lãnh đạo Cục di sản văn hóa cũng gợi ý về sự chung tay của hai địa phương.
Hình ảnh Hải Vân quan được khắc trên cửu đỉnh
“Thời điểm đó đoàn công tác do giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao thành phố Đà Nẵng dẫn đầu đã ra làm việc với lãnh đạo ngành văn hóa của tỉnh bạn. Tiếp đó, có nhiều cuộc làm việc có khi ở Huế, có lúc ở Đà Nẵng. Để rồi sau đó hai bên cùng ký biên bản ghi nhớ về phối hợp phát huy giá trị của Hải Vân quan, thống nhất cùng làm hồ sơ đề nghị xếp hạng di tích cấp quốc gia” - ông Thiện chia sẻ.
Năm 2017, Hải Vân quan được xếp hạng di tích quốc gia và hai địa phương cùng phối hợp tổ chức lễ công bố.
Theo ông Hùng, hồ sơ trình xếp hạng di tích Hải Vân quan có lẽ là nhiều con dấu nhất (16 con dấu) do cả Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng cùng đóng.
Điều thú vị là trên tấm bằng xếp hạng di tích quốc gia, Hải Vân quan tọa lạc ở vị trí thị trấn Lăng Cô (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế- nay là thành phố Huế) và phường Hòa Hiệp Bắc (quận Liên Chiểu, Đà Nẵng).
Chưa dừng lại, hai địa phương tiếp tục cùng nhau bàn cách bảo tồn, tôn tạo, phát huy di tích và tổ chức mốt số hội thảo khoa học để tìm phương án trùng tu tốt nhất.
Cuối năm 2021, dự án bảo tồn, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tich Hải Vân quan được khởi công từ nguồn ngân sách của hai địa phương.
“Đây cũng có thể là di tích đầu tiên trong cả nước mà hai địa phương hàng xóm của nhau cùng bắt tay nhau để làm” - ông Hùng chia sẻ.
Biểu tượng của tình đoàn kết
Đầu tháng 8-2024, Thừa Thiên Huế (nay là thành phố Huế) và thành phố Đà Nẵng đã cùng tổ chức lễ khai trương công trình trùng tu di tích Hải Vân Quan. Ngay trong ngày đầu mở cửa, đã có hàng trăm lượt du khách tham quan nơi được ví là “Thiên hạ đệ nhất hùng quan”.
Với sự lan tỏa về Hải Vân quan, lượng du khách đến tham quan tính từ ngày 1-8 đến ngày 9-9 đạt 78.306 lượt khách. Và cũng đã phát sinh những vấn đề như quá tải, kẹt xe cục bộ, vệ sinh môi trường…mà cần có sự phối hợp của hai địa phương.
Chiều 10-9-2024, trên Hải Vân quan, một cuộc họp bàn công tác phối hợp quản lý, khai thác phát huy giá trị di tích này với sự đồng chủ trì của 2 phó chủ tịch của hai địa phương này đã diễn ra. Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế (nay là thành phố Huế) và thành phố Đà Nẵng đã thống nhất sớm triển khai các hạng mục phụ trợ, bãi đỗ xe, nhà vệ sinh công cộng, không gian trưng bày sản phẩm lưu niệm...
Toàn cảnh Hải Vân quan
Phương án quản lý di tích trong giai đoạn chưa bán vé tham quan hiện tại là hợp lý và giao UBND quận Liên Chiểu (Đà Nẵng) đảm bảo an ninh trật tự. Khi chuyển sang giai đoạn bán vé, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế và UBND quận Liên Chiểu sẽ thay phiên quản lý theo chu kì ba năm một lần (Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế sẽ tiếp nhận phiên quản lý đầu tiên). Đơn vị không quản lý trực tiếp sẽ cử tổ giám sát...
Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Nguyễn Thị Anh Thi tâm sự nhìn những đoàn khách du lịch đến tham quan, thích thú lưu lại những tấm hình đẹp với Hải Vân quan ai cũng xúc động.
“Một điều tuyệt vời khác nữa là Hải Vân quan như là biểu tượng của tình đoàn kết, hợp tác, đồng hành giữa hai địa phương” - bà Thi chia sẻ.
Năm 2021, tỉnh Thừa Thiên Huế (nay là thành phố Huế) và thành phố Đà Nẵng đã cùng thống nhất chi 42 tỉ đồng lấy từ nguồn ngân sách hai địa phương để trùng tu di tích Hải Vân Quan sau thời gian dài xuống cấp nghiêm trọng. Việc trùng tu hoàn thành đầu năm 2024. Sau khi đạt được sự thống nhất về phương án quản lý, phát huy giá trị di tích, hai địa phương cùng quyết định mở cửa Hải Vân quan miễn phí, đón du khách từ 1-8. |
Hải Vân quan là cụm công trình phòng thủ của triều Nguyễn, tọa lạc trên núi Hải Vân ở độ cao gần 500m so với mực nước biển. Năm 1826, vua Minh Mạng cho xây dựng Hải Vân quan như một pháo đài quân sự để phòng thủ ở cửa ngõ phía nam của kinh đô. Khi cho đúc cửu đỉnh - một biểu tượng về sự trường tồn và thống nhất, Hải Vân quan cùng nhiều địa danh nổi tiếng khác được khắc lên cửu đỉnh. Với địa thế hiểm trở, cảnh quan hùng vĩ, đóng vai trò như một yết hầu nằm sát kinh thành, vua Minh Mạng đặt danh hiệu “Thiên hạ đệ nhất hùng quan” cho Hải Vân quan. Hải Vân quan là một cụm kiến trúc bao gồm hai cửa vòm, nhà trú sở, vũ khố, và hệ thống tường thành… |