Cánh rừng thiêng
Nằm giữa những con đường nhựa tấp nập xe cộ là một màu xanh mát của một cánh rừng thiêng, độc đáo - Trung Sơn.
Những sau Tết, rừng thiêng Trung Sơn (xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) đang tràn ngập sắc xuân. Từ xa có thể thấy những cây cối đang khoe sắc hoa, hay những cây khác đang đâm chồi, nảy lộc. Nhiều cây ăn trái do dân làng trồng thì đang trĩu nặng quả... Ông Hà Di (70 tuổi, người làng Trung Sơn) nhìn về tán rừng chia sẻ: “Mùa ni là mùa rừng đâm chồi ra lộc. Không khí trong lành, mát rượi rất khoan khoái”.
Theo các vị cao niên của làng, vùng đất Trung Sơn có lịch sử hình thành, phát triển lâu đời. Tài sản quý giá nhất mà dân làng bảo vệ bao đời nay đó là cụm di tích rừng Trung Sơn. Cụm di tích này, nằm trong khuôn viên rừng.
Rừng có nhiều loại cây lâu năm được xếp vào loại cây gỗ quý hiếm như cây dẻ, chùm bù, sơn ta, lò to, sim, xước…Cánh rừng rậm rạp nên có nhiều loài chim chóc về đây trú ngụ. Một “đặc sản” khổng lồ mà thiên nhiên ban tặng cho làng nữa đó là cát trắng vô giá. Trong lịch sử, rừng Trung Sơn còn có chức năng che chắn gió bão cho dân làng và một số thôn lân cận.
Rừng còn là nơi có mạch nguồn nước ngọt dồi dào cho bà con nơi đây thụ hưởng. Những năm hạn hán kéo dài, nơi đâu cũng cạn kiệt nguồn nước, nhưng các giếng cổ ở rừng Trung Sơn không bao giờ cạn.
Kể từ khi lập làng đến nay, nhân dân thôn Trung Sơn đã gắn bó, bảo vệ, gìn gữ khu rừng nguyên sinh này đến nay gần 400 năm.
Còn ông Hà Thúc Vinh - trưởng thôn Trung Sơn cho biết thêm rừng Trung Sơn là rừng thiêng, rừng cấm: Cấm không được chặt cây đốn củi ở rừng, không ai được lấy cát trắng.
“Suốt mấy trăm năm qua, bao thế hệ của dân làng đã và đang bảo vệ, gìn giữ rừng Trung Sơn” - ông Vinh chia sẻ.
Màu xanh trên ghềnh
Cách rừng Trung Sơn không xa, hiện lên bên vịnh Đà Nẵng là một thảm xanh mát rừng cây tự nhiên trên ghềnh Nam Ô. Theo dân làng Nam Ô, từ thuở xưa, ghềnh này được xem là núi cấm: cấm chặt cây, cấm lấy đá. Quy định này được dân làng nhiều đời tuân thủ nghiêm ngặt. Nhờ sự chung tay của bà con, ghềnh đá, rừng Nam Ô ngày nay vẫn còn nguyên vẹn và là một điểm check-in yêu thích của du khách, nhất là dịp sau Tết, đá phủ màu xanh mướt của rêu rất đẹp.

Thời gian qua, thành phố đã điều chỉnh quy hoạch dự án du lịch sinh thái Nam Ô, hướng đến phục vụ cộng đồng nhiều hơn như cuối đường Nguyễn Tất Thành xây dựng công viên, bãi xe công cộng, mở 5 lối xuống biển, tách ghềnh Nam Ô, các di tích và bãi cát ra khỏi dự án…
Cùng với đó, UBND TP cũng đã phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết công viên sinh thái ghềnh Nam Ô và quảng trường phía Nam ghềnh Nam Ô, tỉ lệ 1/500.
Theo đó, diện tích nghiên cứu quy hoạch bao gồm khu vực ghềnh Nam Ô khoảng 53.261m2, trong đó bao gồm phần diện tích rừng tự nhiên giữ nguyên hiện trạng khoảng 32.138m2. Diện tích phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết 21.123m2, gồm: diện tích công viên sinh thái ghềnh Nam Ô 18.682m2; diện tích quảng trường phía Nam ghềnh Nam Ô 2.441m2.

Việc hình thành công viên sinh thái và quảng trường công cộng để bảo vệ ghềnh Nam Ô. Tổ chức không gian công cộng kết hợp khai thác du lịch để phục vụ người dân và du khách. Bảo tồn, tôn tạo các di tích trong khu vực ghềnh Nam Ô. Giữ nguyên hiện trạng đất rừng tự nhiên.
Là người Nam Ô, gắn bó với những thăng trầm của làng, ông Đặng Dùng chia sẻ rất vui khi đọc thấy thông tin thành phố quy hoạch công viên sinh thái ghềnh Nam Ô và quảng trường, giữ nguyên hiện trạng rừng cũng như bảo tồn, tôn tạo các di tích trên ghềnh. Theo ông Dùng, đây là những việc làm cần thiết và ý nghĩa đối với vùng đất, dân làng, cũng như trở thành địa chỉ thu hút khách...
“Hòn ngọc” Sơn Trà
Bán đảo Sơn Trà được ví như là hòn ngọc, báu vật thiên nhiên ban tặng, “lá phổi xanh” cho đô thị Đà Nẵng. Thật hiếm có một nơi nào có được khu bảo tồn thiên nhiên như Sơn Trà với hệ sinh thái tự nhiên đa dạng, phong phú.
Trong một lần trò chuyện với chúng tôi, ông Hoàng Đình Bá, nguyên trưởng Ty lâm nghiệp tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng cho biết ngay sau ngày giải phóng, những nhà khoa học đầu tiên đã tiếp cận Sơn Trà. Đó là đoàn điều tra quy hoạch của trung ương của vụ trưởng phụ trách KHKT cùng Viện nghiên cứu lâm nghiệp, ĐH Lâm nghiệp Hà Nội…
Chuyến đi này thực hiện ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ có quyết định công nhận Sơn Trà là vườn quốc gia. Đoàn chuyên gia này vào Sơn Trà để điều tra, khảo sát thực địa tại Sơn Trà.
Theo lời ông Bá, “sau gần 1 năm ròng rã, đoàn chuyên gia đã lập xong bản luận chứng Vườn quốc gia Sơn Trà và nêu rõ ý nghĩa của nó. Họ cho rằng Sơn Trà là địa điểm đạt mức đẳng cấp, với độ che phủ hơn 99% bằng rừng cận nguyên sinh.

Có đầy đủ chủng loại hỗn giao, mật độ cây, trữ lượng cây vào loại đẳng cấp cao của thế giới. Là nơi còn lại những động vật quý hiếm sắp bị tuyệt chủng như voọc chà vá... Đoàn cũng đánh giá Sơn Trà là hòn ngọc độc nhất vô nhị của quốc gia, tượng trưng linh khí, hồn thiêng của đất nước... Là biểu tượng cho cuộc cách mạng xanh”.
Không chỉ tiến hành các hoạt động điều tra, khảo sát, đoàn chuyên gia này cũng đã mang theo 20 cây thông Caribê do nhân dân Cuba tặng nhân dân Việt Nam lên Sơn Trà để trồng. Và đó là những cây thông mà sư thầy Thích Thế Tường đã giữ gìn được cho đến hôm nay.
Sau năm 1975, Sơn Trà đã được chú ý bởi nơi đây được ví như “kho” dược liệu quý. Theo PGS.TS Nguyễn Văn Tập (Viện dược liệu), sau nhiều lần lên Sơn Trà điều tra khảo sát, ông thu thập được 329 loài cây thuốc thuộc 253 chi, 108 họ và năm ngành thực vật bậc cao.
Cũng theo ông Tập, khi điều tra về cây thuốc tại Sơn Trà với sự chủ trì của Bệnh viện Y học cổ truyền Đà Nẵng, 329 loài thuốc được dùng để điều trị gần 22 nhóm bệnh thường mắc phải như cảm sốt, cảm lạnh, bệnh ngoài da, mụn nhọt, hô hấp, tim mạch, huyết áp...
Nhiều loài được coi là những vị thuốc nam quen thuộc và gần như không thể thiếu đối với các thầy thuốc y học cổ truyền ở Đà Nẵng như cà gai leo, chè dung, dây chiều, dây gắm...
Ngày nay, bán đảo Sơn Trà đã và đang trở thành điểm đến hấp dẫn mọi du khách khi đến với thành phố.