
Vùng đất này ẩn chứa những giá trị văn hoá, lịch sử hàng trăm năm trước. Chính vì điều đó, Ngũ Hành Sơn có đến 4 di sản, di tích cấp quốc gia, quốc tế. Gọi Ngũ Hành Sơn là miền di sản có lẽ cũng không quá lời.
Miền di sản với làng đá mỹ nghệ Non Nước được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia năm 2014, Danh thắng Ngũ Hành Sơn được công nhận di tích quốc gia đặc biệt năm 2018, Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2021 và hồ sơ Bia ma nhai (bia khắc trên đá) là Di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2022.
Điều gì đã làm nên Ngũ Hành Sơn – một miền di sản? Chính vị trí hiếm có nơi nào có được, với một bên giáp biển, một bên giáp sông ôm lấy năm ngọn núi Ngũ Hành. Ngũ Hành Sơn nằm trên con đường nối liền giữa Đà Nẵng với Hội An- di sản văn hoá thế giới. Vết tích về con đường giao thương từ Đà Nẵng đến thương cảng Hội An từ hơn 2 thế kỷ trước trên dòng sông Cổ Cò với những thương nhân người Nhật, người Hoa, người Ả Rập...và sau đó là các thương nhân, nhà truyền giáo Tây Phương vẫn còn in đậm dấu ở nơi đây.
Nói đến miền di sản, trước hết phải nói đến danh thắng Ngũ Hành Sơn, có nhiều truyền thuyết về tên gọi này. Nhưng theo các tài liệu ghi chép lại, tên gọi Ngũ Hành Sơn do vua Minh Mạng ban sắc đặt tên cụm núi vào năm 1837, trong lần thứ ba và lần cuối cùng nhà vua viếng thăm ngọn Thủy Sơn - ngọn núi lớn nhất, cao nhất và đẹp nhất trong số những ngọn núi thuộc Ngũ Hành Sơn.
Danh thắng Ngũ Hành Sơn còn là nơi bảo lưu nhiều di vật, cổ vật có giá trị như đài thờ phong cách nghệ thuật Đồng Dương, các tượng hộ pháp ở động Tàng Chơn, 03 tượng nữ thần Po Inư Nagar ở động Huyền Không và động Tàng Chơn, gạch Chăm lát nền động Huyền Không…

Ngược dòng lịch sử, từ thế kỉ XV - XVI, người Việt từ phía Bắc di cư vào, tiếp quản và định cư ở các làng Hóa Khuê, Quán Khái quanh chân núi Ngũ Hành Sơn. Sự giao lưu, tiếp xúc và tiếp biến giữa hai hệ văn hóa Việt - Chăm diễn ra mạnh mẽ, làm cho vùng đất Ngũ Hành Sơn có thêm nhiều dấu ấn đặc biệt. Trong đó, sự giao thoa về mặt tín ngưỡng, tôn giáo là điểm nhấn đáng chú ý hơn cả.
Khu vực này còn là một trung tâm tâm linh tín ngưỡng, nơi người Champa thể hiện sự ngưỡng vọng của mình tới các đấng thần linh tối cao. Từ thế kỷ XVII-XIX, Ngũ Hành Sơn trở thành một trung tâm Phật giáo xứ Đàng Trong của Việt Nam, với một hệ thống 20 chùa chiều, miếu mạo dày đặc, và hầu như ở ngọn núi nào, hang động nào cũng dựng được chùa, đặt am, miếu để thờ Phật, thờ thánh thần, thờ biểu tượng tâm linh của người Việt lẫn người Chăm. Ở ngọn Thủy Sơn có hai ngôi chùa được xây dựng từ giữa thế kỷ XVII, nay trở thành những ngôi chùa cổ, lưu giữ nhiều di vật quý, đó là chùa Tam Thai và chùa Linh Ứng, được vua Minh Mạng sắc phong quốc tự vào năm 1825.
Đặc biệt, ở danh thắng Ngũ Hành Sơn vẫn lưu giữ được hệ thống văn bia khắc trên đá (Ma nhai). Ma nhai là một hệ thống gồm 78 văn bản bằng chữ Hán và chữ Nôm được khắc trên vách đá và hang động của danh thắng Ngũ Hành Sơn, với nội dung đa dạng, hình thức độc đáo cùng nhiều thể loại văn học của các vị vua, quan triều Nguyễn, cao tăng, trí thức, có niên đại trải dài từ nửa đầu thế kỷ XVII đến thế kỷ XX.
Nguồn di sản tư liệu này có giá trị trên nhiều phương diện, phản ánh nhiều mặt của địa phương và đất nước Việt Nam dưới thời phong kiến về lịch sử, địa lý, văn học, nghệ thuật, tôn giáo, ngôn ngữ, văn hóa - giáo dục. Mỗi bia ma nhai tuy có sự khác nhau về hình thức, nội dung nhưng có điểm chung đó đều là một tác phẩm nghệ thuật có giá trị, hàm chứa những nội dung lịch sử, nhân văn quý báu, được ra đời trong sự kết hợp của tâm hồn, tài hoa của thi nhân và kinh nghiệm, kỹ nghệ của người nghệ nhân điêu khắc đá Non Nước.
Từ trên đỉnh Ngũ Hành Sơn, một cảnh tượng độc đáo mở ra trước mặt chúng ta với phía Tây là dãy Trường Sơn hùng vĩ, bên dưới là sông Cẩm Lệ, sông Hàn uốn quanh mềm mại như dải lụa và phía Đông với cả một vùng trời biển mênh mông và đảo Cù Lao Chàm xa xa ẩn hiện.
Ngũ Hành Sơn có một vẻ đẹp hiếm có, vẻ đẹp hài hòa của một vùng sinh thái tự nhiên đan xen với đời sống văn hóa tâm linh. Chùa chiền, hang động hòa quyện với nhau như hình với bóng. Chính với yếu tố này, Ngũ Hành Sơn mang một vẻ đẹp vừa thoáng đãng, lãng mạn, vừa trầm mặc cổ kính.

Ở đây, còn có làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước, một làng nghề được hình thành từ thế kỷ XVII. Làng nghề này gắn liền với danh thắng Ngũ Hành Sơn và lễ hội Quán Thế Âm – thu hút hàng vạn du khách đến dự vào tháng hai âm lịch hàng năm để đạo hữu nói riêng, nhân dân và du khách nói chung cầu cho quốc thái dân an, chúng sinh an lạc, khơi dậy lòng từ bi, bác ái, hướng thiện trong mỗi con người.
Đến với làng đá Non Nước, với khu danh thắng Ngũ Hành Sơn, du khách cảm nhận sự thư thái, nhẹ nhàng trong một không gian tĩnh lặng, trầm mặc và huyền bí của những ngôi chùa trên núi Ngũ Hành Sơn. Đang ở trạng thái tĩnh, du khách chuyển sang trạng thái động với cảm giác rộn ràng như đang hòa mình trong những thanh âm rộn rã phát ra từ mũi ve đục đá dưới đôi bàn tay tài hoa của những nghệ nhân đang gieo ý tưởng trên những khối đá thô cục thành các tác phẩm nghệ thuật.

Ngũ Hành Sơn còn là vùng đất anh dũng, kiên cường, chống thực dân, đế quốc xâm lược nước ta. Ngũ Hành Sơn được chọn làm cơ sở hoạt động quan trọng của nhiều chí sĩ trong các phong trào yêu nước...cho đến sau này, Ngũ Hành Sơn vẫn là nơi lưu trú, hội họp và hoạt động bí mật của nhiều cán bộ lãnh đạo cốt cán của cách mạng tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ)
Nơi đây vẫn còn đó, một K20- căn cứ lõm trong lòng địch, lập nên những chiến công hiển hách. K20 là minh chứng sinh động của tinh thần anh dũng, kiên trung của nhân dân Ngũ Hành Sơn. Một trận địa trong lòng đất đã được xây dựng với một hệ thống dày đặc các hầm bí mật, có lúc lên tới 157 hầm. Hiện nay, vẫn còn lại một số các hầm bí mật tại các nhà thờ như nhà thờ ông Huỳnh Phiên, nhà thờ bà Nhiêu, nhà thờ tộc Huỳnh và nhà ông Huỳnh Trưng. Bốn địa điểm này đã được xếp hạng Di tích lịch sử trong khu Di tích lịch sử quốc gia K20.

Ngũ Hành Sơn hôm nay đang từng ngày đổi thay, trở thành một cực tăng trưởng mới ở khu vực phía Nam thành phố Đà Nẵng. Những khu đô thị hiện đại, khu nghỉ mát, vui chơi giải trí thu hút hàng triệu du khách, khu đô thị thông minh FPT đang dần phát triển, quy tụ hàng ngàn kỹ sư Công nghệ thông tin sản xuất những sản phẩm phần mềm, dịch vụ Công nghệ thông tin cho thị trường trong nước và nước ngoài.
Có thể khẳng định với một bề dày truyền thống và những giá trị văn hóa, lịch sử được bồi đắp qua hàng trăm năm cùng với những giá trị hiện tại, Ngũ Hành Sơn hoàn toàn hội tụ nhiều yếu tố để trở thành điểm đến của các lễ hội văn hóa, khu đô thị thông minh, một trung tâm sự kiện của Đà Nẵng với cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp tạo hóa ban tặng. Vấn đề còn lại là hành động cụ thể để biến những tiềm năng, khát vọng của miền di sản Ngũ Hành Sơn trở thành hiện thực.