Chuyện về cầu Trần Thị Lý: Nghĩa nặng, tình sâu Quảng - Đà

Dọc theo con sông Hàn, có một cây cầu dây văng trụ nghiêng với hình dáng tựa như cánh buồm vươn khơi đón gió mang tên người nữ anh hùng xứ Quảng Trần Thị Lý. Nhưng có một điều ít ai biết rằng, cách đây 16 năm, khi bắt đầu xây mới cầu Trần Thị Lý, chính quyền thành phố Đà Nẵng đã cho tháo toàn bộ phần dầm của cầu Trần Thị Lý (cũ) bắc qua sông Hàn, đưa về tập kết tại núi Bồ Bồ (xã Điện Tiến) phục vụ xây dựng cầu Cẩm Lý (xã Điện Tiến, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam).

Cánh buồm căng gió ra biển lớn

Theo lịch sử ghi lại, năm 1950, các cố vấn Mỹ đã có mặt ở Đà Nẵng và tiến hành khảo sát các khu vực Sơn Trà, Non Nước.

Sau đó, người Pháp bắt đầu xúc tiến việc xây dựng Đà Nẵng thành một căn cứ quân sự liên hợp bằng cách vừa tiến hành củng cố, mở rộng các cơ sở vật chất vốn có, vừa xây mới một loạt các hệ thống hạ tầng.

Image Full Page
Cảnh người Pháp xây dựng cây cầu đầu tiên bắc qua sông Hàn mang tên Đờ-Lát - Ảnh tư liệu

Trong đó, nhằm nối liền nội ô thành phố với bến cảng để dễ dàng tiếp nhận các mặt hàng viện trợ chiến tranh của Mỹ, ngay tại vị trí cầu Trần Thị Lý ngày nay, người Pháp đã cho xây dựng cây cầu đầu tiên ở Đà Nẵng và đặt tên là cầu De Lattre de Tassigny (vị tướng quân viễn chinh Pháp, mà người Đà Nẵng hay gọi là cầu Đờ-Lát).

Đến năm 1955, ở Đà Nẵng, tất cả các đường phố mang tên Pháp (trừ Pasteur và Yersin, hai ân nhân của nhân loại) đều được đổi thành tên Việt. Cây cầu độc nhất qua sông Hàn lúc đó cũng được đổi thành cầu Trịnh Minh Thế - tên một tướng lĩnh của quân đội Việt Nam cộng hòa.

Sau ngày thống nhất đất nước, ông Trần Dân - Phó chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường Đà Nẵng - là nhân sự được Bộ Giao thông vận tải cử vào Đà Nẵng làm nhiệm vụ khảo sát thiết kế cầu đường trên toàn tuyến khu 5.

Lúc ấy, cầu Trịnh Minh Thế đã được mang tên người nữ anh hùng xứ Quảng Trần Thị Lý, đồng thời đường sắt trên cầu được phá bỏ để mở rộng thành huyết mạch nối tuyến quốc lộ 14B.

Image Full Page
Cầu Trần Thị Lý đã tạo nên một điểm nhấn kiến trúc độc đáo, nối liền quận Hải Châu, quận Sơn Trà và Quận Ngũ Hành Sơn - Ảnh Minh Trí

Theo ông Trần Dân, cây cầu được người Pháp xây dựng phục vụ nền bảo hộ trải qua hai lần đại tu lớn trước khi bị tháo dỡ. Lần đầu là vào cuối năm 1979, mặt cầu này được thay thế bằng dầm thép có tên hiệu VN-64-71 để đảm bảo tải trọng. Đến năm 1999 có một đợt đại tu khác, cầu được gia cố phần "hạ bộ" cho cứng cáp và thay mặt cầu dầm thép VN-64-71 bằng bêtông dự ứng lực để nâng cấp tải trọng phục vụ xe tải ra vào cảng Tiên Sa.

Đến năm 2009, thành phố chính thức khởi công xây mới cầu Trần Thị Lý với tổng kinh phí 1.500 tỷ đồng và đây được xem là cây cầu dây văng trụ nghiêng độc đáo nhất Việt Nam hiện nay.

“Ở phương ngang nhìn cây cầu như một cánh buồm, nhưng phương dọc lại như cánh chim đang bay, thể hiện được khát vọng hiện đại và vươn lên của thành phố mới", ông Dân nói.

Cầu Trần Thị Lý đã tạo nên một điểm nhấn kiến trúc độc đáo, nối liền quận Hải Châu, quận Sơn Trà và Quận Ngũ Hành Sơn góp phần nâng cao năng lực giao thông ở cửa ngõ phía Đông Đà Nẵng.

Nghĩa nặng, tình sâu Quảng - Đà

Năm 2009, khi tiến hành xây cầu Trần Thị Lý mới, chính quyền thành phố Đà Nẵng đã cho tháo toàn bộ phần dầm của cầu De Lattre de Tassigny, đưa về tập kết tại núi Bồ Bồ (xã Điện Tiến) phục vụ xây dựng cầu Cẩm Lý trên quê hương Điện Bàn của nữ anh hùng Trần Thị Lý (xã Điện Tiến, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam).

Image Full Page
Ông Trần Lý hồi tưởng về cầu Cẩm Lý cũ - Ảnh Mai Quang

Cụ thể, có 18 dầm, chiều dài mỗi dầm 30,84m nặng khoảng 60 tấn. Trong đó có 15 dầm xây cầu Cẩm Lý và 3 dầm dự phòng. Đến cuối năm 2012, cầu Cẩm Lý được đưa vào sử dụng, phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân.

Từ khi cầu Cẩm Lý mới được đưa vào sử dụng, giao thông đi lại giữa hai địa phương thuận tiện hơn rất nhiều, hoạt động giao thương hàng hóa của 2 địa phương cũng phát triển mạnh hơn.

Đứng trong nhà nhìn ra dòng xe cộ lưu thông trên cầu Cẩm Lý, ông Trần Lý (64 tuổi, xã Điện Tiến) hồi tưởng, trước năm 2012, cầu Cẩm Lý cũ có diện tích nhỏ nên đi lại rất khó khăn.

“Hồi đó, khi biết thông tin cầu sẽ được xây mới, đặc biệt là biết thông tin dầm cầu tháo dỡ từ cầu Trần Thị Lý (cũ) được vận chuyển đến xây dựng cầu Cẩm Lý, thì niềm vui càng được nhân lên. Qua việc này chúng tôi rất cảm động và trân quý tình cảm của chính quyền và nhân dân thành phố Đà Nẵng. Đà Nẵng với Quảng Nam, tuy hai mà một”, ông Lý tâm sự.

Còn với bà Mai Thị Thu (60 tuổi, xã Điện Tiến), khi cầu Cẩm Lý mới được xây dựng thì việc lưu thông, đi lại mùa mưa lũ cũng yên tâm hơn.

Image Full Page
Từ khi cầu Cẩm Lý mới được đưa vào sử dụng, giao thông đi lại giữa hai địa phương thuận tiện hơn rất nhiều - Ảnh Mai Quang

“Cầu Cẩm Lý mới được xây xong rất chắc chắn và vững chãi, người dân hai bên cầu ai cũng vui mừng khi được đi trên cây cầu mới, đến mùa mưa lũ đi qua lại cầu cũng rất yên tâm. Cảm ơn tình cảm của Đà Nẵng dành cho Quảng Nam, đặc biệt là người dân Cẩm Lý”, bà Thu bày tỏ.

Mười mấy năm nay, đều đặn mỗi sáng, vợ chồng ông Dương Tường đều từ Đại Lộc đi qua cầu Cẩm Lý ra Đà Nẵng làm thợ xây.

“Chứng kiến sự đổi thay của cầu Cẩm Lý từ khi còn là cây cầu cũ, nhỏ, đến khi được xây dựng khang trang như hiện nay, không chỉ vợ chồng tôi mà nhiều người lao động từ Quảng Nam ra Đà Nẵng đều vui mừng. Với chúng tôi, cầu Cẩm Lý không đơn thuần là cây cầu nối đôi bờ mà còn là cây cầu của sự gắn kết, tình cảm sắt son một nhà của Quảng Nam - Đà Nẵng”, ông Tường bộc bạch.

Kể từ ngày chia tách, Quảng Nam - Đà Nẵng vẫn luôn giữ gìn truyền thống gắn bó mật thiết anh em ruột thịt. Dù điều kiện và định hướng phát triển khác nhau nhưng cả hai địa phương đều thống nhất quan điểm "sự phát triển của Đà Nẵng cũng là của Quảng Nam và sự phát triển của Quảng Nam cũng là của Đà Nẵng". Và cầu Cẩm Lý là một trong những minh chứng cho truyền thống “như cây một cội, như con một nhà” của hai địa phương Quảng - Đà.

THẾ VINH