1. Theo dòng ký ức của những người trở về từ chiến trường, chúng tôi đến gặp và trò chuyện cùng Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn – Nguyên Cục trưởng Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam.
Trong trí nhớ của người Tướng lĩnh Quân đội nhân dân Việt Nam, từng chi tiết, từng hình ảnh của ngày giải phóng thành phố vẫn vẹn nguyên và chưa hề phai mờ. Sâu trong ký ức của ông vẫn còn hình ảnh những người lính trẻ mơ ước được mặc đồ quân giải phóng đi giữa lòng thành phố.

Một trong những điều mà ông và các đồng đội luôn ghi nhớ đó là sự đùm bọc, chở che của người dân. Trước thời khắc giải phóng, nhân dân Đà Nẵng đã cùng với quân đội chủ lực, bộ đội địa phương anh dũng đứng lên đấu tranh giải phóng giành chính quyền.
Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn tâm sự, những năm tháng đó, bom đạn Mỹ rải xuống chiến trường của chúng ta hết sức ác liệt, không có nơi nào trên chiến trường Quảng Đà mà không có dấu của bom đạn Mỹ, không có nơi nào trên chiến trường Quảng Đà mà không thấy dấu binh sĩ của bạn xâm lược, bọn biệt kích lùng sục khắp nơi để phát hiện lực lượng ta.
Chính vì vậy, lúc bấy giờ, giải phóng Đà Nẵng chính là mơ ước thiêng liêng và cao quý của tất cả mọi người. Khi vào giải phóng Đà Nẵng, xe của chúng đi đến đâu nhân dân ào ra vỗ tay, hoan hô, chào mừng và phất cờ giải phóng.
“Với hình ảnh đó, có thể nói lòng dân mong ước được đón tiếp quân đội chúng ta vào giải phóng thành phố. Kết thúc ngày 29-3-1975, lực lượng Biệt động của chúng tôi có 2 đồng chí hy sinh, còn lại an toàn tuyệt đối. Chúng ta giải phóng Đà Nẵng không để một người dân nào thương vong vì bom đạn của chiến tranh. Từ đó có thể nói, niềm vui nhân niềm vui tột cùng, ai đã từng trải qua những năm tháng chống Mỹ cứu nước mới thấy được giá trị của ngày giải phóng”, Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn xúc động nói.
2. Nhắc đến ngày Giải phóng thành phố là nhắc đến niềm tự hào nhất và không bao giờ quên trong cuộc đời người lính của ông Phạm Kiều Đa – nguyên Quận đội phó quận Nhất, kiêm Chỉ huy trưởng lực lượng tự vệ Cánh Đông Đà Nẵng.
Nhắc lại ký ức của những ngày hoa lửa, ông Đa kể, sáng 29-3-1975, sau khi được Bộ Tư lệnh tiền phương Mặt trận giao nhiệm vụ, ông cùng đồng chí Nguyễn Đình Tịnh từ Hòa Đa (nay là Hòa Xuân) cải trang xuất kích vào nội thành bằng xe Hon-đa, do 2 tự vệ hợp pháp là đồng chí Trần Phú và Kiều Hoàng đưa đi kiểm tra, chỉ huy các mũi Biệt động.

Đến 8 giờ 30 phút, bộ phận chỉ huy Quận đội đã vào Tòa thị chính, nhưng bọn địch đã bỏ chạy, đến 09 giờ, ông cơ động đến sở chỉ huy Quân đoàn I Ngụy bắt liên lạc với mũi của đồng chí Huỳnh Ngọc Châu.
“Tôi trở lại Tòa thị chính lúc 10 giờ 30 phút, tại đây, các đồng đội là đồng chí Hoàng Xuân Mai - Mũi trưởng, Phan Văn Nam - Đội trưởng và các đồng chí Kiều Máy, Kiều Hùng đã chiếm lĩnh. Thấy chưa có cờ, tôi ra lệnh cho các mũi trưởng đi lấy cờ về treo trên nóc và tiền sảnh Tòa thị chính lúc 11 giờ 30 phút ngày 29-3-1975...”, ông Đa kể.
Thời khắc chứng kiến lá cờ quân ta tung bay trên nóc Tòa thị chính, không chỉ ông mà tất cả các đồng đội đều tự hào và xúc động.
“Nếu mà nói hạnh phúc thì có lẽ là hạnh phúc nhất trên đời, hạnh phúc vô bờ. Lúc tham gia cách mạng, mình chỉ biết là cùng nhân dân, đồng đội đánh giặc, giải phóng thành phố chứ không dám nghĩ là mình được đặt chân vào Tòa thị chính và chiếm lĩnh ngay phòng Thị Trưởng Đà Nẵng. Không ngôn từ nào có thể diễn thể tả được cảm xúc của mình khi đó”, ông Đa bồi hồi nói.
3. 50 năm trôi qua, hình ảnh quân và dân ta đổ xuống đường mừng chiến thắng, mừng thành phố giải phóng vẫn rõ mồn một trong tâm trí ông Văn Đức Long - Trưởng Ban Quân báo Quận 3, nguyên Phó Chủ tịch Hội Tù Yêu nước thành phố.
Năm 1975, được sự phân công của Ban Quân sự thành phố, ông được điều động về làm Trưởng Ban Quân báo Quận 3 lúc bấy giờ.

Ngược dòng thời gian, ông Long hồi tưởng, tối 26-3-1975, để chuẩn bị cho khởi nghĩa giành chính quyền, Mặt trận 4 Quảng Đà gọi một số đồng chí chủ chốt của các quận để giao nhiệm vụ cho các mũi vào ngày 28, 29-3-1975 về triển khai khai các lực lượng biệt động cùng tự vệ bám sát vào các khu phố để chiến đấu, khởi nghĩa ở các khu phố và hỗ trợ cho quần chúng nổi dậy chiếm các khu phố.
Lúc đó, ông được giao chức vụ Đại đội Trưởng, quản lý một đại đội. Đại đội của ông có nhiệm vụ chốt chặn và chiếm đóng ở các điểm ở quận 3 như: Ngã ba cầu Nguyễn Văn Trỗi, ngã năm Nguyễn Công Trứ, Quận lỵ quận Đông Giang, ngã ba Tiên Sa, Khu huấn luyện Biệt Kích ở Sơn Trà…
“Lúc nhận được tin quân ta chiếm được Tòa thị chính và cắm cờ trên nóc Tòa thị chính vào lúc 11h30 ngày 29-3-1975 là tôi đang chỉ huy anh em làm nhiệm vụ. Thật sự không thể diễn tả được niềm vui lúc đó, anh em, đồng đội vui mừng, hoan hô Đà Nẵng giải phóng rồi. Khoảng đến 12 giờ trưa, người dân đổ xuống đường ăn mừng niềm vui chiến thắng. Không khí, niềm vui chiến thắng còn kéo dài đến nhiều ngày sau”, ông Long bồi hồi.
Chiến tranh đã lùi xa, nhưng ký ức về những ngày hoa lửa và chiến thắng giặc ngoại xâm, giải phóng thành phố vẫn còn vang vọng mãi. Những câu chuyện của người lính là minh chứng về lịch sử sống động và hào hùng của quê hương, dân tộc.