Có một sông Hàn trong tôi

Sông Hàn những ngày tháng 3 trong nắng ban mai lấp lánh như dãi lụa vắt ngang bờ vai người thiếu nữ đang xuân, đêm dần buông xuống bỗng lung linh huyền ảo cuốn hút lạ thường bao khách thập phương. Dòng sông gắn liền với kỷ niệm của bao lớp người Đà Nẵng.

1. Sông Hàn có tên gọi từ đời vua Lê Thánh Tông (niên hiệu Hồng Ðức năm thứ 21- 1490), khi nhà vua định lại bản đồ 13 xứ Thừa Tuyên, chỉ ra xứ Thừa Tuyên Thuận Hóa với 10 cửa biển, trong đó có Cửa Hàn rộng lớn, bên ngoài được bao bọc bởi núi Hải Vân, bán đảo Sơn Trà, hòn Hành, hòn Chảo…

Sông Hàn bắt nguồn từ nơi giao nhau giữa sông Cẩm Lệ và sông Cái (Cổ Mân) chảy ra cửa Hàn. Sông Hàn được xem như một nhánh của sông Thu Bồn- con sông có lưu vực rộng nhất Việt Nam.

Từ thưở chỉ có 2 cây cầu bắc qua Sông Hàn, giờ đây sau nửa thế kỷ đã có 6 cây cầu bắc qua dòng sông Hàn. Mỗi một cây cầu mang một giá trị lịch sử, vẻ đẹp riêng trên dòng sông Hàn, mở ra một không gian phát triển của một thành phố hướng biển.

Những thành phố đẹp nhất trên thế giới đều có con sông chảy vắt ngang như Venice (Italia), London (Anh), Amsterdam (Hà Lan), Vienna (Áo).

Toàn cảnh Du thuyền Đà Nẵng lung linh về đêm: Mai Quang - Minh Trí

Có lẽ những con sông kia ngoài cảnh đẹp thiên nhiên, còn gắn với những công trình kiến trúc, những phận người và khơi dậy niềm cảm hứng của bao văn nhân, thi sỹ như dòng sông Hàn?

2. Có những ngày thơ thẩn bên bến sông Hàn, bao ký ức về một dòng sông đằm thắm và bao phận người mưu sinh trong từng câu chuyện cứ theo về trong tôi.

Những chiếc ghe ngược xuôi và hình ảnh những người mẹ, chị gái quận ba thoăn thoắt tay chèo sớm hôm vất vả mưu sinh trên dòng sông Hàn ngày nào dù đã không còn nhưng vẫn cứ hiện hữu ở trước mặt.

Thời gian cứ vụt trôi, vạn vật đổi thay, mà sao tôi vẫn cứ nhớ mãi tiếng nổ lạch bạch của những chiếc phà giữa sông nước mênh mông và những phận người mưu sinh hai bên bến phà. Nhớ những dãy nhà chồ lụp sụp bên kia sông và những người đàn ông, đàn bà và cả những đứa trẻ. Họ giờ đã về đâu?

Đối với nhiều người nếu đã lâu không về Đà Nẵng, có lẽ cũng như tôi, những ký ức xưa cũ vẫn còn đâu đó và sẽ chẳng thể nào tin được trước những đổi thay chóng mặt, những kỳ tích của thành phố bên bờ sông Hàn. Trong đó, có dãy “nhà chồ” bên sông ngày nào đã hoàn toàn biến mất, tất cả ngư dân “nhà chồ” đã rời khúc sông gắn bó bao đời, thiếu thốn trăm bề để lên bờ.

Tất cả như một giấc mơ không tưởng.

Giờ đây ngồi trong căn nhà khang trang ở Nại Hiên Đông, trong mâm cơm gia đình đầm ấm ngày đầu năm, những cư dân "nhà chồ" vẫn không tin rằng đó là sự thật khi được lên bờ, con cái được học hành, có công việc ổn định, thụ hưởng những chính sách an sinh xã hội của thành phố. Đối với họ, chẳng khác gì một giấc mơ có thật sau 50 năm ngày giải phóng Đà Nẵng, 28 năm ngày thành phố trở thành một đô thị đáng sống, một thành phố trực thuộc Trung ương, động lực phát triển của cả khu vực.

3. Vẻ đẹp của một dòng sông đã đi vào thơ ca. Tôi nhớ đến âm hưởng hào hùng, niềm vui ngày giải phóng với tác phẩm Sông Hàn vang tiếng hát (thơ: Dương Hương Ly, nhạc: Huy Du).

Ôi biển xanh, biển xanh, ôi trời mây bát ngát/ Đây bến Tiên Sa ta cúi hôn bờ cát/ phố phường ơi tiếng hát lại trong lành/ Hỡi sông Hàn ánh mắt long lanh/ Hỡi nắng sớm Sơn Trà/ Hỡi mây chiều Non Nước. Đẹp làm sao nắng tỏa bên đường/ Trên phố phường tràn ngập cánh sao bay/ Yêu làm sao Đà Nẵng...

Cho đến một “Sông Hàn tuổi 18” như ru vào lòng người niềm rung cảm nhẹ nhàng:

Ta có một sông Hàn mười tám tuổi/ Như em sáng nay duyên dáng tuổi học trò/ Sông mở cửa đưa cánh buồm theo gió/ Sóng mang hồn thành phố đến khơi xa…

Rồi "Sông Hàn tình yêu của tôi" một sáng tác của cố nhạc sĩ An Thuyên đưa ta về với những kỷ niệm ấu thơ.

Tìm lại bóng dáng tuổi thơ tôi trong lấp lánh nước sông Hàn/ Có con còng gió lang thang bãi sông vô tình có nhớ/ Tuổi thơ rong chơi ngày ấy, để câu đồng dao lấm bùn…/

HOÀNG PHAN