Ngôi làng cổ bên đường thiên lý

Nằm bên vịnh Đà Nẵng, kề cửa sông Cu Đê và ngay bên đường thiên lý là ngôi làng cổ Nam Ô. Một ngôi làng với những dấu ấn đặc sắc về văn hóa, lịch sử, tự nhiên được bảo tồn suốt chiều dài lịch sử hàng trăm năm.

Chuyện ngôi làng cổ

Địa danh Nam Ô giờ đây không chỉ thân thuộc với người dân thành phố mà còn là điểm đến yêu mến của du khách thập phương.

Làng Nam Ô bên vịnh Đà Nẵng.

Đi hết tuyến đường ven biển Nguyễn Tất Thành sẽ gặp ngôi làng Nam Ô. Dù trải qua những thăng trầm của lịch sử, Nam Ô ngày nay vẫn bảo tồn được những di tích từ thuở xa xưa. Và những vốn quý đó vẫn đang được dân làng, chính quyền địa phương chung tay bảo vệ, gìn giữ và phát huy giá trị.

Cách con đường dẫn vào làng chỉ dăm bước chân, giếng nước Chăm trong lành, hướng ra biển, ngày nào cũng đón người dân của làng tới múc nước để sử dụng. Ở Nam Ô, ngoài 4 giếng nước Chăm thì các nhà khảo cổ cũng phát hiện rất nhiều di chỉ, phế tích khác có niên đại thế kỷ 10.

Ngay trước bờ biển là Lăng Ngư Ông. Theo các bậc cao niên của làng hiện lăng đang thờ 47 bộ xương cá Ông. Các bộ xương này được ngư dân chôn cất sau đó di dời vào lăng từ năm 1848 đến nay và được cư dân của làng thờ cúng trang nghiêm. Lúc đầu Lăng có kiến trúc như sườn gỗ, tường đá trát vôi vữa, mái lợp lá kè; đến năm 1851, Lăng được tôn tạo to đẹp hơn...Lăng là nơi cất giữ hài cốt cá Ông đã được cải táng.

Cách Lăng Ông không xa về phía Nam là mộ Cá Voi. Tương truyền Cá Voi sau khi bị lụy trôi dạt vào bờ sẽ được người dân mai táng sau ba năm họ sẽ đưa hài cốt cá Ông đến Lăng để thờ cúng

Những di tích quý của làng Nam Ô

Gần đó là Dinh Cô Hồn. Theo các bô lão trong làng thì trong các trận chiến chống quân Pháp đánh vào cửa biển Đà Nẵng năm xưa, quân lính triều đình của 2 đồn Nam Ô, Tấn biển Cu Đê và dân binh địa phương tử trận rất nhiều, nên triều đình đã sắc dụ cho các dân xã lập âm linh để tưởng nhớ tử sĩ trân vong. Thời vua Thành Thái đã sắc dụ cho các nơi lập Âm Hồn Đàn để tưởng vọng các tử sĩ đã bỏ minh trong biến cố thất thủ kinh đô năm 1885.

Đi theo con đường dẫn vào làng là Miếu Bà Liễu Hạnh xây dựng năm 1602 gắn với tục thờ mẫu của cư dân Đại Việt trên vùng đất mới, được nhân dân làng Nam Ô lưu truyền nhiều đời.

Nghề vang bóng một thời

Đến làng Nam Ô, điều dễ nhận ra nhất là hương vị mặn mòi của biển và của thương hiệu nước mắm Nam Ô. Nơi đây còn có món gỏi cá lừng danh. Nhưng có lẽ, trong tâm trí của nhiều người, nhắc đến Nam Ô sẽ khiến họ bâng khuâng nhớ về một nghề đã lui vào dĩ vãng - pháo Nam Ô.

Len lỏi vào những con hẻm nhỏ, nhiều gia đình ở đây vẫn còn lưu giữ những tấm hình kỷ niệm về nghề vang bóng một thời. Nghề làm pháo đã không còn, nhưng những vị cao niên của làng vẫn nhớ vanh vách những chuyện xưa cũ.

Nghề pháo Nam Ô nổi tiếng một thời

Họ kể rằng chẳng biết nghề pháo có từ khi nào, có gia đình mấy thế hệ đã từng gắn bó với nghề. Nghề truyền nghề, người dạy người, dân làng Nam Ô 1 rồi Nam Ô 2 với gần 800 hộ dân cũng sống với nghề pháo. Không chỉ vậy, khi những người con của làng lấy vợ, lấy chồng đi nơi khác cũng mang nghề làm pháo theo. Có những lúc nghề phát triển rực rỡ hồi sau giải phóng, làng pháo đã thành lập hợp tác xã pháo Nam Ô và pháo được đưa đi khắp nơi, nhất là Sài Gòn. Những dịp lễ tết, liên hoan, tiệc tùng…pháo Nam Ô nổ giòn vang trời.

Ông Đặng Dùng - một vị cao niên của làng nhớ lại có người cho rằng nghề pháo của Nam Ô khởi sinh từ thời nhà Trạm Nam Ô còn hoạt động náo nhiệt, nhất là khi Pháp đánh vào Đà Nẵng năm 1858. Bấy giờ, quân binh nhà Trạm dùng pháo làm hiệu hỏa tốc thay cho ngựa trạm. Nhu cầu thì nhiều mà pháo hiệu ở kinh đưa về không kịp nên vị thừa dịch chỉ huy nhà Trạm đã chủ động sai phái người trong làng sáng dạ khéo tay dùng thuốc súng sẵn có trong thành làm những viên pháo tre thay thế. Qua cơn binh biến, những người ấy lại tiếp tục mày mò làm những viên pháo kết lại thành dây đốt cho vui tai trong các ngày hội làng, ngày Tết.

Lại có những chứng cứ được xác nhận bởi các bô lão tôn vinh cụ Cửu Mai quê ở Quảng Ngãi là tổ nghề pháo Nam Ô. Cụ trên đường qua làng Nam Ô, nhìn thấy địa linh nơi đây nên quyết định ở lại trổ tài chữa bệnh, biết dùng các khoáng chất thiên nhiên làm pháo.

Năm Bảo Đại thứ mười (1934) hoàng đế Bảo Đại làm đại lễ cưới. Vua nghe tài năng của cụ bèn triệu cụ về kinh đô Huế để dựng giàn pháo hoa kịp trình diễn trong ngày khánh lễ ấy. Giàn pháo đã gây cảm xúc phấn khích từ vua, quan cho đến dân chúng đất thần kinh. Thành quả ấy đã mang về cho cụ hàm Chánh Cửu phẩm. Từ đấy dân làng gọi cụ là Cửu Mai.

Ngôi làng bên chân sóng

Cụ trở về làng đúng lúc việc trùng tu lăng Ông Ngư đến hồi hoàn thiện. Cụ phát tâm hiến cúng những tràng pháo cho lễ lạc thành để thể hiện tấm lòng thành. Sau hai tháng ròng, dưới sự chỉ dẫn bày biểu của cụ, một giàn pháo hoa đã kịp trình làng cho lễ lạc thành ngày 21-5 năm Giáp Tuất. Sự kiện đặc biệt này đã thu hút cả dân chúng trong làng và các làng phụ cận. Giàn pháo có nhiều tầng hình tháp cụt, cao chừng 5-6 mét, đặt giữa bãi làng trước lăng, cách mép biển chừng ba bốn chục mét.

Đêm 21, khán giả đứng đầy cả bãi, chờ giờ khai hỏa. Khởi đầu là pháo chuột mang lửa từ trong lăng phóng ra theo hình chữ chi như báo hiệu chào mừng. Pháo chuột khác lại xòe lửa tiếp sức, phóng thẳng vào trung tâm giàn pháo và tóe lửa....Rất nhiều loại pháo khoe màu khoe sắc đẹp như lần cụ Cửu Mai diễn ở kinh đô Huế. Đêm pháo hoa đó đã đặt nền móng khởi sinh cho làng Nam Ô một nghề mới: nghề pháo.

Nghề pháo Nam Ô đã lui vào quá khứ nhưng với dân làng, mỗi khi có dịp quây quần bên nhau, hẳn trong câu chuyện lại nhắc nhớ về một kỷ niệm đẹp của làng…

Những đại dự án ở Liên Chiểu

Liên Chiểu đang “thay da đổi thịt” từng ngày với nhiều công trình, dự án lớn. Ngay tại làng Nam Ô, dự án du lịch sinh thái Nam Ô vẫn đang khẩn trương thi công.

Từ ngôi làng này nhìn về phía đèo Hải Vân - những ngày này, công trình cảng Liên Chiểu vẫn đang “băng băng” về đích.

Không chỉ vậy, một dự án đình đám khác là khu phức hợp du lịch và nghỉ dưỡng Làng Vân cũng sẽ được triển khai sớm ở vùng đất này.

Dự án có quy mô diện tích gần 512,2ha, dân số khoảng 19.000 người, với tổng vốn đầu tư gần 44.000 tỉ đồng.

Mục tiêu của dự án là hình thành một khu phức hợp bao gồm các công trình thương mại dịch vụ, phát triển du lịch sinh thái kết hợp ở có mật độ lưu trú thấp gắn với bảo tồn thiên nhiên phục vụ nhu cầu du lịch, sinh sống của người dân địa phương và du khách trong và ngoài nước với không gian kiến trúc văn minh, hiện đại.

TRÚC TƯỜNG