Nối đôi bờ, mở lối tương lai
Trước khi cầu sông Hàn ra đời, việc đi lại giữa hai bờ Đông – Tây của Đà Nẵng chủ yếu dựa vào các chuyến phà chở khách qua lại. Những chiếc thuyền gỗ nhỏ bé, mong manh trước sóng nước sông Hàn không thể nào đáp ứng được tốc độ phát triển của một thành phố đang trên đà chuyển mình. Người dân Đà Nẵng thời điểm lúc bấy giờ khao khát có một cây cầu không chỉ để rút ngắn khoảng cách, mà còn để gắn kết nhịp sống đôi bờ.
Và rồi, cây cầu mơ ước ấy đã thành hiện thực vào năm 2000 – đúng thời điểm Đà Nẵng vừa tách khỏi tỉnh Quảng Nam chưa đầy 3 năm (1997). Điều đặc biệt nhất là cầu sông Hàn không phải do vốn đầu tư nước ngoài hay nguồn lực từ Trung ương mà được xây dựng chủ yếu bằng nguồn lực của chính thành phố.
Khi ấy, không ít người dân đã tự nguyện đóng góp ngày lương, các doanh nghiệp địa phương cũng chung tay góp sức để cây cầu sớm hoàn thành. Chính vì thế, cầu sông Hàn không chỉ là một công trình giao thông đơn thuần mà còn là minh chứng cho tinh thần đoàn kết, sự chung sức, đồng lòng của người dân Đà Nẵng trong những ngày đầu đổi mới.

Ông Nguyễn Bá Sơn, Chủ tịch Hội Luật gia thành phố Đà Nẵng, nguyên Phó Trưởng ban Tổ chức Thành ủy, Phó Trưởng đoàn chuyên trách đoàn ĐBQH đơn vị thành phố Đà Nẵng kể lại, từ các lãnh đạo cấp cao nhất thành phố đến công nhân, viên chức đều trích những tháng lương của mình để đóng góp xây cầu sông Hàn.

Không chỉ vậy, những người lao động bình thường, như chị tiểu thương chợ sáng, anh xích lô, xe thồ cũng góp từng đồng bạc lẻ. Có cả những em bé đập heo đất để đóng góp số tiền nhỏ nhưng đầy ý nghĩa. Sự chung tay này thể hiện niềm tin và kỳ vọng của người dân vào sự phát triển của Đà Nẵng.
Tổng số tiền huy động từ cộng đồng lên tới hơn 7 tỷ đồng trong tổng vốn đầu tư 95 tỷ đồng của cầu sông Hàn, một con số không nhỏ trong thời điểm đó. Điều này cho thấy tinh thần đoàn kết mạnh mẽ của người dân Đà Nẵng, khi tất cả đều chung tay để xây dựng cây cầu mang tính biểu tượng cho thành phố.
Khát vọng từ cây cầu quay độc đáo
Cầu sông Hàn được khởi công ngày 2-9-1998 và khánh thành đúng dịp kỷ niệm 25 năm Ngày giải phóng thành phố Đà Nẵng (29-3-2000). Đây là cây cầu quay đầu tiên của Việt Nam, do kỹ sư, công nhân trong nước tự thiết kế, thi công và đến nay vẫn là cây cầu quay duy nhất ở Việt Nam.
Cầu có chiều dài 487,7 mét, rộng 12,9 mét, gồm 11 nhịp; mỗi nhịp dài 33 mét; kết cấu bê tông cốt thép dự ứng lực và 2 nhịp dây văng có tổng chiều dài 122,7 mét; kết cấu dầm và tháp cầu chính bằng thép, bản mặt cầu bằng bê tông cốt thép.
Phần giữa cầu có thể xoay 90 độ quanh trục để mở đường cho tàu lớn đi qua. Ban đầu, cầu quay vào khoảng 1 giờ khuya hàng ngày để phục vụ tàu thuyền. Những năm gần đây, tàu thuyền lớn không còn qua lại do thành phố đã di dời cảng Sông Thu ra khỏi khu vực cầu Nguyễn Văn Trỗi, nên việc xoay cầu chủ yếu phục vụ cho công tác bảo dưỡng và thu hút khách du lịch.
Với nhiều người Đà Nẵng, cây cầu này còn là một phần ký ức. Vào những năm đầu thế kỷ 21, cảnh cầu quay vào lúc nửa đêm là một sự kiện đầy háo hức. Những đứa trẻ lẽo đẽo theo chân cha mẹ ra bờ sông, những đôi tình nhân ngồi tựa vào nhau chờ cây cầu xoay mình giữa đêm khuya. Đó không đơn thuần là khoảnh khắc của kỹ thuật cơ khí, mà còn là một nét văn hóa đặc trưng, gắn liền với đời sống tinh thần của người dân thành phố.

Sự xuất hiện của cầu sông Hàn không chỉ giải quyết vấn đề giao thông mà còn mở ra cơ hội phát triển cho khu vực phía Đông thành phố, góp phần thúc đẩy kinh tế và du lịch. Khu vực này nhanh chóng trở thành điểm đến hấp dẫn với nhiều dự án khách sạn, khu vui chơi giải trí.
Cầu sông Hàn không chỉ tạo thuận lợi cho giao thông vận tải, du lịch, khơi dậy tiềm năng kinh tế của một vùng đất rộng lớn ở phía Đông thành phố, mà còn là biểu tượng văn hóa độc đáo, niềm tự hào của riêng Đà Nẵng.

Hai mươi năm đã trôi qua, Đà Nẵng giờ đây có thêm nhiều cây cầu hiện đại hơn, hoành tráng hơn như cầu Rồng phun lửa, cầu Trần Thị Lý dây văng độc đáo hay cầu Thuận Phước vắt ngang cửa biển. Nhưng cầu sông Hàn vẫn luôn có chỗ đứng vững chắc trong lòng người dân thành phố. Nó là một phần ký ức, một phần lịch sử của Đà Nẵng, gợi nhớ về những ngày đầu gian khó nhưng tràn đầy khát vọng.