Trở lại Đà Nẵng sau mấy chục năm rời xa quê hương qua Mỹ lập nghiệp, ông Nguyễn Ngọc Thanh (56 tuổi) vẫn không khỏi ngỡ ngàng về sự thay đổi “chóng mặt” của vùng đất nơi mà mình đã chôn nhau cắt rốn.
Ông Thanh tâm sự, trong ký ức của ông, Đà Nẵng thời điểm đấy chưa sầm uất, những con phố dài, vắng vẻ, phần lớn là xe đạp, xe máy còn hạn chế. Lúc nhỏ, ông thường được mẹ chở bằng con xe đạp cũ qua cầu sông Hàn để tắm biển, xung quanh chưa có nhiều tòa cao ốc mọc chi chít như bây giờ. Ông yêu mảnh đất này vì nơi đây ghi dấu nhiều kỷ niệm thuở thơ ấu.

Lần trở lại Đà Nẵng này, chính ông cũng không khỏi bất ngờ về sự thay đổi “ngoạn mục” của nơi mà ông sinh ra. Đà Nẵng bây giờ trở thành một thành phố hiện đại với tốc độ đô thị hóa nhanh chóng. Các khu đô thị mới, khu nghỉ dưỡng sang trọng và những tòa nhà cao tầng mọc lên như nấm. Khu vực ven biển, như bán đảo Sơn Trà hay Ngũ Hành Sơn được quy hoạch và xây dựng thành những khu nghỉ dưỡng cao cấp, thu hút hàng triệu khách du lịch mỗi năm.
“Chứng kiến sự thay đổi của quê hương, tôi không khỏi cảm thấy tự hào và xúc động. Đối với những ai đã sinh ra và lớn lên tại Đà Nẵng, đặc biệt là những người đã đi xa, bởi mỗi sự thay đổi, dù lớn hay nhỏ, đều là minh chứng cho những nỗ lực không ngừng nghỉ của người dân và chính quyền thành phố”, ông Thanh nói,
Chung cảm xúc với ông Thanh, những khoảnh khắc sinh sống ở quê hương luôn tồn tại trong tâm trí ông Nguyễn Văn Mến (50 tuổi) vì nơi đây là tuổi thơ, là khoảng trời ký ức và là nơi ông được sinh ra, lớn lên.
Gia đình ông Mến đã có 27 năm định cư ở Mỹ, song ký ức về thành phố bên bờ Hàn giang luôn là một phần không thể thiếu trong trái tim của ông, dù có ở đâu, làm gì. Ông rời Đà Nẵng khi thành phố vẫn chưa có cầu Sông Hàn, cầu Rồng.

Lần đầu trở về sau gần ba thập kỷ, ông bất ngờ và xúc động khi thấy vẻ đẹp lung linh của cầu Sông Hàn vào ban đêm cũng như thiết kế độc đáo của cầu Rồng bắc qua dòng sông Hàn thơ mộng, như một biểu tượng của sự đổi mới. Mỗi tối cuối tuần, khi cầu Rồng phun lửa, phun nước, tạo nên một cảnh tượng huyền bí, hùng tráng, khiến ông cảm nhận rõ ràng hơn bao giờ hết sự biến hóa kỳ diệu của Đà Nẵng, nơi quê hương cũ đã thay da đổi thịt.
"Đà Nẵng giờ đây đã trở thành một thành phố hiện đại, sôi động nhưng vẫn giữ nguyên những giá trị cốt lõi, cái hồn của một thành phố biển hiền hòa, mến khách. Cảm xúc được trở về với cội nguồn quê hương, cảm nhận thành phố như người mẹ hiền luôn dang rộng vòng tay thân yêu, ấm áp chào đón người con xa xứ là một thứ tình cảm thiêng liêng và bền chặt không thể xóa nhòa được”, ông Mến xúc động nói.
Còn với anh Phạm Việt Đức (30 tuổi), Đà Nẵng trong anh không chỉ là quê hương, mà là một phần không thể thiếu trong câu chuyện cuộc đời.
Anh Đức chia sẻ, sau 10 năm sống và làm việc tại Hàn Quốc, lần đầu tiên trở về thăm Đà Nẵng, anh cảm giác như mình đang bước vào một thành phố hoàn toàn khác. Những công trình mới mọc lên nhanh chóng, các khu phố sầm uất hơn, nhiều tòa nhà cao tầng cứ thế vươn lên trời xanh. Anh cảm giác như, Đà Nẵng thay đổi còn nhanh hơn cả sự trưởng thành của chính bản thân mình.

Nhưng với anh Đức, điều làm anh tự hào nhất không phải là những công trình hay những khu đô thị hoành tráng, mà là người dân thành phố. Với anh, con người Đà Nẵng, dù hồi đó hay bây giờ vẫn giữ được nét chân chất, đôn hậu, hiếu khách và thân thiện.
“Là người con xa xứ, cảm giác nhìn quê hương ngày càng phát triển là niềm vui không thể diễn tả bằng lời. Tôi vô cùng biết ơn sự nỗ lực của chính quyền thành phố, sự chung tay của toàn thể Nhân dân, các thế hệ cùng nhau xây dựng thành phố ngày càng văn minh, giàu đẹp”, anh Đức dõng dạc.
Rời Đà Nẵng vào thành phố Hồ Chí Minh để lập nghiệp, nhưng đối với chị Nguyễn Khánh Thảo Oanh (29 tuổi), mỗi ngày, mỗi giờ, trong chị vẫn văng vẳng tiếng sóng vỗ, mùi gió biển, và những khung trời xanh mát của quê hương.
Đà Nẵng là nơi chị Oanh lớn lên, mỗi góc phố, mỗi con đường đều thấm đượm kỷ niệm. Chị nhớ con đường Đinh Tiên Hoàng, nơi sáng sáng mẹ chị đưa chị đi học chiếc xe đạp cũ kỹ.

Đà Nẵng không lớn, nhưng đủ để in sâu vào lòng người những dấu ấn khó phai. Dù có đi xa, chị vẫn giữ trong lòng hình ảnh của biển cả bao la, của những con phố thân quen và những nụ cười đôn hậu. Chỉ cần nhắm mắt lại, chị có thể cảm nhận được hơi thở của Đà Nẵng, như thể nó vẫn ở ngay đây, trong trái tim chị.
“Giờ ở Sài Gòn, tôi đã quen với nhịp sống hối hả. Nhưng, trong tôi, có những khoảnh khắc nhìn lại, trái tim vẫn đập nhanh mỗi khi nghĩ về Đà Nẵng. Tôi nhớ những buổi chiều mưa rả rích, ngồi trên vỉa hè quán cà phê, nghe tiếng rao của người bán bánh bèo, bánh lọc mà lòng bỗng thổn thức. Những đêm dài nơi đất khách, nghĩ đến thành phố, trái tim tôi lại ngập tràn cảm xúc, như thể được quay về, được trong vòng tay ấm áp của quê hương”, chị Oanh xúc động nói.