Nhân lực là khâu then chốt
“Đà Nẵng đặt mục tiêu “đi đầu, đi nhanh” trong phát triển nguồn nhân lực ngành vi mạch bán dẫn tại Việt Nam để đón sóng đầu tư.
Đà Nẵng mong muốn sẽ đào tạo nguồn nhân lực không chỉ phục vụ cho Đà Nẵng hay Việt Nam mà hướng tới đáp ứng được yêu cầu công việc trên toàn cầu.
Đại học Đà Nẵng và Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia - Bộ Kế hoạch và Đầu tư (NIC) ký kết phụ lục bổ sung nội dung hợp tác về phát triển hệ sinh thái vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo (AI) - Ảnh Mai Quang
Do đó, Đà Nẵng đã và đang tập trung mọi nguồn lực để đào tạo, thu hút tối thiểu 5.000 nhân lực chất lượng cao cho ngành vi mạch bán dẫn, trong đó có ít nhất 2.000 nhân lực thiết kế và 3.000 nhân lực kiểm thử, đóng gói.
Để thực hiện hóa mục tiêu nói trên, cuối năm 2023, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng đã ban hành Quyết định số 2941/QĐ-UBND thành lập Trung tâm nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo Đà Nẵng (DSAC).
Từ đó, thành phố tiếp tục hình thành Liên minh đào tạo bồi dưỡng giữa DSAC với các trường Đại học. Tháng 5-2024, Liên minh đào tạo DSAC và 5 trường đại học lớn trên địa bàn thành phố ký kết hợp tác với Đại học Phenikaa (Hà Nội) và Công ty TNHH Synopsys Việt Nam để thành lập liên minh đào tạo VASA Việt Nam.
Liên minh VASA chú trọng đào tạo nâng cao kỹ năng thực tế theo nhu cầu thị trường trong cả 2 lĩnh vực quan trọng của ngành công nghiệp bán dẫn là thiết kế vi mạch và đóng gói, kiểm thử. Qua đó, giúp người học nâng cao kỹ năng trình độ, cũng như tối đa hóa khả năng áp dụng kiến thức được học vào thực tế công việc.
Các giảng viên ưu tú nhận Giấy chứng nhận hoàn thành Chương trình bồi dưỡng giảng viên nguồn về thiết kế vi mạch thành phố Đà Nẵng - Ảnh Mai Quang
Cũng trong năm 2024, thành phố tổ chức khởi động chương trình đào tạo nguồn nhân lực vi mạch bán dẫn của thành phố và tổ chức đào tạo lớp giảng viên nguồn đào tạo vi mạch, bán dẫn gồm 25 giảng viên của các trường đại học trên địa bàn thành phố.
Ngoài hợp tác với các cơ sở giáo dục trong nước, thành phố đã và đang làm việc với các trường đại học quốc tế có kinh nghiệm cung cấp nhân lực chất lượng cao như Đại học bang Arizona (Hoa Kỳ), Đại học Khoa học kỹ thuật Minh Tân tại Đài Loan (Trung Quốc)…
Tại Đà Nẵng, với lợi thế của mình, một số cơ sở đào tạo đang nỗ lực trong “cuộc đua” xây dựng chương trình, đào tạo nhân lực vi mạch bán dẫn. Đến nay, đã có 04 trường Đại học chính thức mở ngành đào tạo kỹ sư vi mạch và tuyển sinh với gần 300 chỉ tiêu; mở 3 lớp đào tạo chuyển đổi sinh viên tốt nghiệp ngành gần kỹ sư vi mạch sang thiết kế vi mạch cho 41 sinh viên và 59 giảng viên.
Tổ chức bồi dưỡng cho 17 giảng viên tham gia chương trình đóng gói kiểm thử của Đại học Arizona Hoa Kỳ tổ chức; phối hợp tập đoàn NVIDIA cấp chứng nhận đại sứ AI cho 7 giảng viên của các trường Đại học trên địa bàn Đà Nẵng.
Tại kỳ họp 21 HĐND thành phố khóa X đã thông qua nghị quyết quy định chính sách phát triển nguồn nhân lực lĩnh vực vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI) - Ảnh Mai Quang
Đặc biệt, tại kỳ họp 21 HĐND thành phố khóa X đã thông qua nghị quyết quy định chính sách phát triển nguồn nhân lực lĩnh vực vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI). Trong đó, thành phố dự kiến trong giai đoạn 2025-2030 sẽ dành gần 900 tỷ đồng để phát triển nguồn nhân lực lĩnh vực vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo.
Chào đón các doanh nghiệp vi mạch, bán dẫn hàng đầu thế giới
Trên cơ sở tầm nhìn quốc gia về phát triển vi mạch bán dẫn, từ cuối năm 2023 và đầu năm 2024, Đà Nẵng đã tổ chức hai đoàn công tác của lãnh đạo thành phố đến Hoa Kỳ để xúc tiến, kêu gọi đầu tư trong lĩnh vực bán dẫn và trí tuệ nhân tạo.
Thông qua hai chuyến đi, lãnh đạo thành phố Đà Nẵng đã có những buổi tiếp xúc, làm việc với các tập đoàn, công ty hàng đầu của Hoa Kỳ trên lĩnh vực vi mạch bán dẫn như Synopsys, Intel, Nvidia, ITSJ-G, Qorvo, Qualcomm, ARM, Ampere,… Tất cả các doanh nghiệp đều bày tỏ sự quan tâm đến sự phát triển của ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam nói chung và tiềm năng phát triển ngành công nghiệp bán dẫn tại Đà Nẵng nói riêng.
Trao Thỏa thuận hợp tác ba bên và Biên bản ghi nhớ về hợp tác phát triển lĩnh vực vi mạch bán dẫn tại thành phố Đà Nẵng - Ảnh Mai Quang
Từ sau các chuyến công tác, đến thời điểm cuối năm 2024, các doanh nghiệp thiết kế vi mạch, bán dẫn hàng đầu thế giới như Synopsys, Marvell, Renesas đã có mặt tại Đà Nẵng. Các tập đoàn lớn như Nvidia, Qualcomm, Intel, Mediatek... đã đến khảo sát cơ hội đầu tư tại Đà Nẵng và dự kiến có kế hoạch hợp tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao tại thành phố.
Tập đoàn Foxlink, một trong những doanh nghiệp hàng đầu của Đài Loan (Trung Quốc) đã đầu tư vào thành phố 135 triệu USD và đang có kế hoạch mở rộng trong thời gian tới. Đặc biệt, trong năm 2024, 05 công ty thiết kế vi mạch đã đầu tư tại Đà Nẵng, nâng tổng số doanh nghiệp thiết kế vi mạch lên con số 13 đơn vị.
Liên tục trong hai năm 2023 và 2024, Đà Nẵng đã có 04 Công ty khởi nghiệp lọt vào top 10 khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo do tập đoàn Qualcomm tổ chức như: XB Link, Alpha Asimov Robotics, Vox Cool, Delta X. Trung tâm DSAC cũng vinh dự được nhận giải thưởng Top 15 Đổi mới sáng tạo Việt Nam về thành tích hỗ trợ phát triển hệ sinh thái vi mạch bán dẫn Việt Nam.
Năm 2024, Đà Nẵng tiếp tục triển khai quyết liệt và đồng bộ nhiều bước đi quan trọng với hướng chính là tập trung phát triển nguồn nhân lực vi mạch, bán dẫn gắn với liên kết hợp tác với các doanh nghiệp, đối tác lớn, uy tín trong và ngoài nước để thu hút đầu tư, đào tạo nguồn nhân lực và hình thành hệ sinh thái vi mạch bán dẫn của thành phố.
Khai trương công viên phần mềm Đà Nẵng số 2 - Ảnh Mai Quang
Những ngày đầu năm 2025, thành phố tổ chức khai trương Khu Công viên phần mềm số 2 và đưa vào sử dụng Tòa nhà ICT1 với 8 tầng, tổng diện tích sàn xây dựng hơn 39.000m², diện tích khai thác 21.000m².
Trong đó ưu tiên các đối tác chiến lược, các nhà đầu tư chiến lược, các doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo của lĩnh vực vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo. Hiện đã có hơn 30 doanh nghiệp đăng ký nhu cầu thuê văn phòng tại Tòa nhà ICT1 với tổng diện tích đăng ký khoảng 25.000m², vượt quá diện tích cho thuê của Tòa nhà ICT1.
Khu công nghệ thông tin tập trung Công viên phần mềm Đà Nẵng được xác định là công trình động lực, trọng điểm để hiện thực hóa các chủ trương, định hướng của Bộ Chính trị. Đồng thời góp phần thúc đẩy các phương thức sản xuất mới, hiện đại, chú trọng các lĩnh vực mũi nhọn mới như vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, chuỗi khối, công nghệ tài chính (Fintech).
Có thể thấy, Đảng bộ, chính quyền thành phố nhận thức rõ rằng, việc phát triển nguồn nhân lực ngành vi mạch, bán dẫn là lĩnh vực cần được ưu tiên nghiên cứu phát triển một cách bài bản và dài hạn.
Do vậy, sự chung tay, chủ động của nhà trường, nhà doanh nghiệp cùng với sự đồng hành hỗ trợ và quyết tâm của Nhà nước sẽ là cơ sở tạo nên "đột phá", đòn bẩy để Đà Nẵng tham gia sâu vào mạng lưới sản xuất và chuỗi cung ứng toàn cầu. Từ đó, góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược, bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.