Tiền đề thu hút các nguồn lực đầu tư
Vùng đất phía Tây Bắc thành phố được ví như một “đại công trường” với các siêu dự án, công trình trọng điểm được đẩy nhanh tiến độ thi công, không kể ngày đêm, không quản nắng mưa.
Tận dụng lợi thế kín gió, nước sâu, kết nối với nhiều tuyến hạ tầng giao thông huyết mạch quốc gia như cao tốc Bắc - Nam, đường sắt Bắc - Nam, đường ven biển Việt Nam, hành lang kinh tế Đông - Tây (nối Việt Nam, Lào, Thái Lan…), từ nhiều năm trước, Đà Nẵng đã ấp ủ một kế hoạch dài hơi để đầu tư khu vực cảng Liên Chiểu với nhiều lĩnh vực: đô thị cảng biển, logistics…
Phối cảnh của cảng biển Liên Chiểu - Ảnh Mai Quang
Dự án Đầu tư xây dựng Bến cảng Liên Chiểu - Phần cơ sở hạ tầng dùng chung được khởi công cuối năm 2022, dự kiến hoàn thành công trình vào tháng 11-2025 với tổng mức đầu tư 3.426,3 tỷ đồng.
Với tinh thần “Đã nỗ lực rồi thì phải nỗ lực hơn nữa, đã ra sức rồi thì cần ra sức hơn nữa, khắc phục mọi điều kiện thời tiết để đẩy nhanh tiến độ thi công”, đến cuối năm 2024, giá trị khối lượng thi công hoàn thành Dự án đạt 73,53%. Đối với dự án Đường ven biển nối cảng Liên Chiểu, khởi công từ tháng 9/2023, đến cuối năm 2024 đã thi công hoàn thành 42,1% khối lượng.
Cảng Liên Chiểu được định hướng trở thành một cảng cửa ngõ quốc tế; thu hút các hãng vận tải, logistics lớn trên thế giới. Đây là cảng biển tiếp cận được cỡ tàu lớn, có năng lực tiếp cận, vận tải, trung chuyển hàng hóa container với các cảng biển khác trên thế giới. Hàng hóa xuất nhập khẩu có thể đi thẳng tới các quốc gia Châu Âu, Châu Mỹ, giảm được chi phí vận tải, tăng sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế; trở thành một trong những cảng chính trong hải trình của các tuyến dịch vụ vận tải biển quốc tế với các tàu siêu lớn, nâng cao vị trí của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu...
Trong tương lai, gắn với cảng Liên Chiểu sẽ là khu thương mại tự do Đà Nẵng. Khu thương mại tự do Đà Nẵng là khu chức năng, có ranh giới địa lý xác định, được thành lập để thực hiện thí điểm các cơ chế, chính sách nhằm mục tiêu thu hút đầu tư, tài chính, thương mại, du lịch và dịch vụ chất lượng cao.
Dự kiến, quy mô diện tích của Khu thương mại tự do Đà Nẵng đến giai đoạn hoàn chỉnh hạ tầng và đồng bộ các khu chức năng khoảng hơn 2.317 ha, bao gồm vị trí lấn biển khoảng hơn 300 ha; bố trí tại 10 vị trí không liền kề gắn kết với cảng biển Liên Chiểu và sân bay Đà Nẵng.
Dự kiến hoàn thành công trình vào tháng 11-2025 với tổng mức đầu tư 3.426,3 tỷ đồng - Ảnh Minh Trí
Theo dự báo, Khu thương mại tự do có thể đóng góp 8 – 9% vào GRDP của thành phố vào năm 2030 và tăng lên tới 25% vào năm 2050, góp phần thúc đẩy tăng trưởng hàng năm của thành phố thêm 1,7 và 2,4% lần lượt giai đoạn 2026 – 2030 và cả thời kỳ 2031 – 2050.
Khu thương mại tự do Đà Nẵng cũng sẽ thu hút lượng lớn lao động và chuyên gia trong các lĩnh vực có giá trị gia tăng cao: Năm 2030 có khoảng 41.000 lao động, năm 2050 có khoảng 137.000 lao động.
Khu thương mại tự do gắn với cảng biển Liên Chiểu và sân bay Đà Nẵng là điều kiện thuận lợi để thành phố trở thành trung tâm trung chuyển hàng hóa của khu vực và quốc tế, góp phần thu hút mạnh mẽ các dòng vốn đầu tư trong nước và nước ngoài vào thành phố và vùng động lực kinh tế miền Trung.
Theo đồ án Quy hoạch chung điều chỉnh thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn 2045 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 359/QĐ-TTg ngày 15-3-2021, Đà Nẵng sẽ chú trọng phát triển các trung tâm logistics và kho bãi với quy mô diện tích đất khoảng 229 ha. Trong đó, khu vực Liên Chiểu có 2 trung tâm logistics: Trung tâm logistics cảng Liên Chiểu, Trung tâm logistics ga Kim Liên mới.
Đồng thời, thành phố đầu tư phát triển các khu công nghiệp với quy mô diện tích đất khoảng 2.326 ha. Riêng tại Liên Chiểu, thành phố sẽ nâng cấp Khu công nghiệp Hòa Khánh, Hòa Khánh mở rộng thành khu công nghiệp sinh thái.
Điểm đến mới đầy “hứa hẹn”
Cùng với phát triển công nghiệp, vùng đất phía Tây Bắc thành phố cũng có những lợi thế về tiềm năng du lịch.
Tọa lạc tại bãi biển Xuân Thiều, khu nghỉ dưỡng và giải trí cao cấp Da Nang Mikazuki (Da Nang Mikazuki Japanese Resorts & Spa) của Tập đoàn Mikazuki Nhật Bản ngày càng thu hút đông đảo người dân và du khách đến trải nghiệm các dịch vụ.
Khu nghỉ dưỡng và giải trí cao cấp Da Nang Mikazuki (Da Nang Mikazuki Japanese Resorts & Spa) - Ảnh Minh Trí
Da Nang Mikazuki Japanese Resorts & Spa đã trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn, đóng góp cho thương hiệu du lịch của Đà Nẵng với điểm nhấn là hàng loạt các biểu tượng văn hóa đặc trưng của xứ sở hoa anh đào như ngũ trùng tháp, chuông thiêng, đền Nikko Toshogu, thiên đường vui chơi giải trí tại công viên nước Mikazuki 365, cầu vượt đi bộ ngang đường Nguyễn Tất Thành…
Với quyết tâm “đánh thức và khai thác” tiềm năng vùng đất phía Tây Bắc thành phố, Dự án Khu phức hợp du lịch và đô thị nghỉ dưỡng Làng Vân đang được thành phố quan tâm và chỉ đạo sát sao.
Hiện nay, UBND quận Liên Chiểu đang tập trung thực hiện dứt điểm công tác giải phóng mặt bằng theo cam kết về tiến độ mặt bằng sạch chậm nhất vào đầu tháng 04-2025 để đảm bảo Dự án sớm được triển khai, đưa vào sử dụng góp phần phát triển kinh tế - xã hội thành phố.
Trung tâm hành chính quận Liên Chiểu - Ảnh Minh Trí
Dự án có quy mô diện tích khoảng 512,2 ha với tổng vốn đầu tư gần 44 ngàn tỷ đồng. Dự án sẽ hình thành một khu phức hợp bao gồm các công trình thương mại dịch vụ, phát triển du lịch sinh thái kết hợp ở có mật độ lưu trú thấp gắn với bảo tồn thiên nhiên phục vụ nhu cầu du lịch, sinh sống của người dân địa phương và du khách trong và ngoài nước với không gian kiến trúc văn minh, hiện đại.
Cùng với khu nghỉ dưỡng và giải trí cao cấp Da Nang Mikazuki, dự án Làng Vân, du lịch sinh thái tại khu vực sông Cu Đê, Làng Vân, đường hầm đèo Hải Vân và thắng cảnh thiên nhiên Nam Ô... Liên Chiểu “hứa hẹn” sẽ là điểm đến mới đầy hấp dẫn của Đà Nẵng trong mắt các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Về Liên Chiểu hôm nay mới thấy nhịp sống đang đổi thay từng ngày. Với sự bứt phá đi lên, Liên Chiểu từ nông thôn đã phát triển lên thành thị, từ một quận nông nghiệp đã trở thành trung tâm công nghiệp lớn của thành phố.
Những dãy nhà cao tầng san sát nhau, những con đường thảm nhựa phẳng lì dẫn đến từng thôn xóm, những khu công nghiệp hoạt động ngày đêm,... đã cùng nhau tạo nên bức tranh đa sắc màu cho vùng đất phía Tây Bắc của thành phố.