Bộ Chính trị đồng ý thành lập Trung tâm Tài chính (TTTC) khu vực tại thành phố Đà Nẵng là thách thức lớn, lĩnh vực mới mẻ nhưng là chiến lược đột phá trong phát triển kinh tế, tài chính không chỉ của riêng Đà Nẵng mà còn của chung cả nước.
Chia sẻ về những thuận lợi và điều kiện phát triển TTTC quốc tế quy mô khu vực tại Đà Nẵng, theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Kỳ Minh, Đà Nẵng đang tập trung phát triển 3 trụ cột chính để thực hiện mục tiêu trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của khu vực Đông Nam Á gồm: Du lịch gắn với bất động sản nghỉ dưỡng; Kinh tế tri thức; Trung tâm dịch vụ chất lượng cao.

Hiện nay, các nhà đầu tư, quỹ đầu tư tài chính quốc tế đến từ Hoa Kỳ, Singapore, Trung Đông, Thuỵ Sĩ rất quan tâm đến việc phát triển Trung tâm tài chính Đà Nẵng theo hướng gắn với đổi mới sáng tạo, tài chính xanh, công nghệ tài chính, tài chính thương mại để cộng hưởng với các lợi thế từ vị trí địa chính trị - kinh tế quan trọng trong hành lang Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và môi trường sống, hạ tầng đô thị, dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng của thành phố.
Điều này tạo nên sự kết hợp khác biệt giữa các dịch vụ tài chính truyền thống và công nghệ tiên tiến hàng đầu, thúc đẩy giao lưu, hợp tác và đầu mối giao thương của tất cả các bên trong chuỗi giá trị toàn cầu đang dịch chuyển.
“Đây là định hướng phù hợp với thực tiễn phát triển và thời cơ mới từ việc hình thành trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia và Khu thương mại tự do Đà Nẵng, phát huy được các điều kiện, lợi thế của thành phố Đà Nẵng nói riêng và Việt Nam nói chung, đáp ứng sự quan tâm của các tổ chức, quỹ đầu tư, nhà đầu tư, kinh doanh thương mại quốc tế đặt ra khi nghiên cứu đầu tư vào thành phố Đà Nẵng, mở ra triển vọng đưa Đà Nẵng trở thành cửa ngõ đầu tư - thương mại - tài chính - công nghệ của quốc gia, khu vực”, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Kỳ Minh nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Kỳ Minh chia sẻ thêm, về mô hình chung, Trung tâm tài chính thành phố Đà Nẵng đề xuất phát triển hệ sinh thái đa thành phần, tập trung theo 3 nhóm dịch vụ: cung cấp các dịch vụ tài chính quốc tế (dịch vụ thanh toán, thương mại quốc tế, dịch vụ quản lý rủi ro và giao dịch ngoại hối…); các dịch vụ Fintech và TechFin (cung cấp phần mềm, nền tảng ứng dụng để thực hiện dịch vụ thanh toán, giao dịch tài sản mã hóa, cơ sở dữ liệu lớn, điện toán đám mây, blockchain…); các dịch vụ hỗ trợ đầu tư, phát triển doanh nghiệp và dịch vụ tiện ích (kiểm toán, kế toán, dịch vụ pháp lý, tư vấn thuế, hải quan, các dịch vụ nghỉ dưỡng, hội nghị, casino…).
Song song đó, Đà Nẵng đã chuẩn bị sẵn quỹ đất sạch khá lớn phục vụ cho việc thiết lập khu phức hợp trung tâm tài chính và công nghệ với điều kiện vị trí kết nối, hạ tầng thuộc loại tốt nhất của quốc gia.

Đà Nẵng được định hướng phát triển TTTC quy mô khu vực với mục tiêu cung cấp các dịch vụ tài chính để phục vụ thúc đẩy đầu tư, kinh doanh và thương mại quốc tế, trong đó bao gồm các dịch vụ tài chính nhằm huy động có hiệu quả các nguồn lực tài chính quốc tế phục vụ cho sự phát triển của Đà Nẵng, khu vực miền Trung - Tây Nguyên nói riêng và đất nước nói chung.
Trong TTTC Đà Nẵng sẽ là một hệ sinh thái đa thành phần bao gồm các trung tâm phát triển tập trung cho 03 nhóm dịch vụ: dịch vụ tài chính quốc tế; dịch vụ Fintech, TechFin; các dịch vụ hỗ trợ đầu tư, phát triển doanh nghiệp và dịch vụ tiện ích.
Với mô hình TTTC quy mô khu vực, Đà Nẵng tập trung phát triển các nhóm dịch vụ tài chính quốc tế như dịch vụ tài trợ xuất nhập khẩu, tài trợ chuỗi cung ứng, quản lý rủi ro, bảo hiểm thương mại để hỗ trợ giao dịch thương mại, kinh doanh và đầu tư quốc tế cho các nhà đầu tư chiến lược, các tổ chức, tập đoàn quốc tế trong các lĩnh vực chế xuất, xuất nhập khẩu, logistics, công nghệ toàn cầu và các lĩnh vực khác đã được xác định trong Nghị quyết số 136/2024/QH15 của Quốc hội.
Đồng thời, khai thác tiềm năng, lợi thế về địa - kinh tế, chính trị của thành phố Đà Nẵng đối với khu vực và thế giới, trọng điểm là gắn với Khu thương mại tự do Đà Nẵng, Cảng biển Liên Chiểu là các khu chức năng được quy hoạch để trở thành đầu mối trung chuyển quốc tế.
Đây là cấu phần có thể kết hợp thế mạnh, tiềm năng sẵn có của địa phương, gắn liền với trụ cột du lịch mà Nghị quyết số 43/NQ-TW của Bộ Chính trị (khóa XII) đã xác định.
Những thách thức không nhỏ
Việc thành lập Trung tâm tài chính khu vực tại thành phố Đà Nẵng là câu chuyện tầm nhìn quốc gia và sẽ đi kèm với những thách thức không nhỏ.
Để triển khai TTTC khu vực và quốc tế, đòi hỏi bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ và phân công trách nhiệm rõ ràng, rành mạch giữa Trung ương và địa phương, trên cơ sở phân cấp phân quyền, phát huy vai trò chủ động, sáng tạo của thành phố Đà Nẵng trong triển khai thực hiện theo như chỉ đạo của Bộ Chính trị.

Chính vì vậy, việc triển khai TTTC cũng đã được Bộ Chính trị đồng ý chủ trương lựa chọn phát triển các TTTC có ranh giới địa lý và đối tượng điều chỉnh được xác định theo tiêu chí rõ ràng nhưng không "biệt lập"; theo mô hình "kết hợp" với các chính sách đặc thù, vượt trội theo lộ trình. TTTC được áp dụng cơ chế quản lý đặc thù, vượt trội hơn so với quy định hiện hành, mang tính cạnh tranh, nhưng phải kèm theo các cơ chế giám sát, quản lý rủi ro phù hợp; vừa làm vừa rút kinh nghiệm.
Trong công tác triển khai, Bộ Chính trị yêu cầu không nóng vội nhưng cũng không cầu toàn, để mất thời cơ và đặc biệt dứt khoát từ bỏ tư duy "không quản được thì cấm".
Đối với thành phố Đà Nẵng, điều quan trọng nhất trong thời điểm hiện nay, sẽ phải quyết liệt, chủ động phối hợp với các cơ quan Trung ương triển khai ngay các chỉ đạo của Bộ Chính trị, đảm bảo triển khai có hiệu quả các nội dung của Đề án với quyết tâm cao nhất, “trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt” để những cơ chế chính sách đi vào cuộc sống, được hiện thực hóa trên mảnh đất Đà Nẵng.
Theo lãnh đạo các bộ, ngành và các chuyên gia, Đà Nẵng hội tụ các yếu tố “thiên, thời, địa lợi, nhân hoà” khi có đầy đủ các lợi thế, tiềm năng, yêu cầu phát triển và quyết tâm chính trị cho việc xây dựng TTTC khu vực.
Do đó, việc triển khai lộ trình xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành TTTC quy mô khu vực theo chủ trương của Đảng, Nhà nước là cần thiết để phát triển các dịch vụ tài chính quốc tế và các dịch vụ phụ trợ có tiềm năng, lợi thế… huy động nguồn lực tài chính quốc tế trong sự phát triển đột phá của thành phố Đà Nẵng và khu vực miền Trung – Tây Nguyên nói riêng, của đất nước nói chung.

Tuy nhiên, Đà Nẵng cần sự nỗ lực rất lớn và sự quyết liệt trong công tác bố trí nguồn lực, chuẩn bị các điều kiện nền tảng và tạo điều kiện thuận lợi để phát triển TTTC, đặc biệt là nguồn lực về hạ tầng (bao gồm hạ tầng cứng và hạ tầng mềm, hạ tầng số), nguồn nhân lực, thể chế, môi trường đầu tư kinh doanh, môi trường sống. Song song đó là tập trung vận động, tiếp cận và thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các định chế tài chính đến đầu tư tại TTTC của các địa phương.
Các chuyên gia cũng đưa nhiều gợi ý, đề xuất Đà Nẵng để phát triển Trung tâm tài chính quốc tế ở Việt Nam một cách hiệu quả, phù hợp với các xu hướng thị trường toàn cầu.
Ông Andy Khoo - Tổng Giám đốc Terne Holdings (Singapore) cho rằng, tập trung vào tài chính xanh, tài chính thương mại và đổi mới kỹ thuật số sẽ giúp Đà Nẵng tạo ra sự khác biệt rõ nét. Trong đó, Đà Nẵng cần tập trung vào ba trụ cột chiến lược, phù hợp với những thế mạnh và cơ hội độc đáo của thành phố: Tài chính xanh, Đổi mới Fintech và Tài chính thương mại.

“Trung tâm Tài chính khu vực tại Đà Nẵng không chỉ là một dự án phát triển, mà còn là một tuyên ngôn táo bạo về khát vọng của Việt Nam trong việc dẫn đầu trên thị trường tài chính toàn cầu. Hãy tưởng tượng một tương lai, nơi Đà Nẵng không chỉ là một thành phố, mà là biểu tượng của sự đổi mới, bền vững và kiên cường. Một tương lai mà Đà Nẵng trở thành cầu nối giữa ASEAN và thế giới, tạo ra cơ hội và thúc đẩy sự tiến bộ cho từng người dân Việt Nam”, ông Andy Khoo nói.
Bàn thêm về vấn đề pháp lý, ông Ali Ijaz Ahmad - Chủ tịch Tập đoàn Makara Capital cho rằng, Việt Nam có lợi thế rất lớn về thị trường. Những nhà đầu tư giống như Makara Capital đến Việt Nam là để tìm kiếm tiềm năng về thị trường. Trong khuôn khổ xây dựng và phát triển Trung tâm tài chính quốc tế trong những năm tới, Đà Nẵng và Việt Nam có tiềm năng rất lớn về đổi mới sáng tạo và tập đoàn cam kết đầu tư rất nhiều nguồn lực vào đây. Đồng thời nhấn mạnh, để tạo điều kiện cho doanh nghiệp đến đến làm việc xung quanh Trung tâm tài chính quốc tế thì cần chú ý đến các yếu tố về khuôn khổ, có tiềm năng đầu tư, có cơ sở hạ tầng, với băng thông internet tốc độ nhanh…

“Khi chúng ta nói về IFC, để nguồn vốn chúng tôi đến được với Trung tâm tài chính quốc tế, Đà Nẵng phải đưa ra được những khuôn khổ pháp chế phù hợp, tạo điều kiện cho các công ty, các doanh nghiệp như tập đoàn chúng tôi có điều kiện kinh doanh và đảm bảo an toàn”, ông Ali Ijaz Ahmad nói.
Tại Đề án “Xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành TTTC quy mô khu vực”, thành phố đề xuất các nhóm cơ chế, chính sách ưu đãi và đặc thù: Áp dụng cơ chế ưu đãi đầu tư vượt trội trong TTTC; Ưu tiên sử dụng ngôn ngữ giao dịch là tiếng Anh; Nới lỏng kiểm soát ngoại tệ và các giao dịch trong phạm vi TTTC; Chính sách phát triển thị trường vốn; Hình thành cơ chế quản lý và phát triển các lĩnh vực liên quan đến Fintech, TechFin;
Thí điểm nới lỏng quy định xuất nhập cảnh và quản lý chuyên gia nước ngoài trong TTTC; Hình thành thiết chế giải quyết tranh chấp chuyên biệt trong TTTC; Tập trung nguồn lực cho đầu tư phát triển hạ tầng TTTC; Đầu tư cho phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực tài chính. Với các chính sách ưu đãi nói trên, thành phố kỳ vọng sẽ thu hút các nhóm đối tượng, chủ thể vào TTTC.

Đầu tháng 3-2025, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 42/NQ-CP về đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về Trung tâm tài chính tại Việt Nam.
Có thể nói, Nghị quyết số 42/NQ-CP sẽ cùng với Nghị quyết 43-NQ/TW, Kết luận 79-KL/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 136/2024/QH15 của Quốc hội chính là các cơ sở chính trị quan trọng để Đà Nẵng cùng với các cơ quan Trung ương nghiên cứu đề xuất các cơ chế chính sách đặc thù, vượt trội cạnh tranh để kiến tạo mô hình phát triển TTTC hiệu quả nhằm huy động có hiệu quả các nguồn lực, dịch vụ tài chính phục vụ cho sự phát triển cho Đà Nẵng, khu vực miền Trung – Tây Nguyên nói riêng, cả nước nói chung.
Thành phố Đà Nẵng đang hội tụ các yếu tố “thiên, thời, địa lợi, nhân hoà” khi có đầy đủ các lợi thế, tiềm năng, yêu cầu phát triển và quyết tâm chính trị cho việc xây dựng trung tâm tài chính khu vực.
TTTC thành phố Đà Nẵng không chỉ là biểu tượng của sự thịnh vượng của Việt Nam mà còn đóng góp tích cực vào sự ổn định và phát triển của hệ thống tài chính toàn cầu, góp phần nâng cao vai trò, vị thế, uy tín, ảnh hưởng của Việt Nam trên trường quốc tế, chuẩn bị cho kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.