Ghi danh “Đà Nẵng” trên bản đồ tài chính quốc tế

Chủ trương thành lập Trung tâm tài chính khu vực tại Đà Nẵng vừa được Bộ Chính trị kết luận tại Thông báo số 47-TB/TW ngày 15-11-2024. Trong đó nhấn mạnh, Trung tâm tài chính được áp dụng cơ chế quản lý đặc thù, vượt trội hơn so với quy định hiện hành, mang tính cạnh tranh, nhưng phải kèm theo các cơ chế giám sát, quản lý rủi ro phù hợp; vừa làm vừa rút kinh nghiệm, không nóng vội nhưng cũng không cầu toàn, để mất thời cơ; kiên quyết từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm”.

Nâng tầm xứng tầm

Để trở thành một Trung tâm tài chính khu vực, Đà Nẵng phải tạo được môi trường kinh doanh thuận lợi, mang tính kết nối con người, cơ sở hạ tầng tài chính và luật pháp. Đây là vấn đề rất mới và chưa có tiền lệ, đòi hỏi phải nghiên cứu kỹ lưỡng, tiếp cận nhiều chiều, tận dụng triệt để quỹ thời gian, tranh thủ khai thác tối đa kinh nghiệm những quốc gia đi trước, vừa làm vừa rút kinh nghiệm để kịp thời đáp ứng yêu cầu đề ra. Với tiềm năng sẵn có, Đà Nẵng có những lợi thế riêng phù hợp với nhu cầu đầu tư của cộng đồng quốc tế. Bên cạnh vị trí địa chính trị, kinh tế quan trọng, có tính kết nối cao, môi trường sống, hạ tầng đô thị đảm bảo, Đà Nẵng còn được các nhà đầu tư tài chính quốc tế nhìn nhận là nơi có điều kiện phát triển hạ tầng và xây dựng trung tâm tài chính và giải trí tương tự một số mô hình đã thành công trên thế giới. Để đáp ứng xứng tầm với một Trung tâm tài chính khu vực, thời gian tới, Đà Nẵng tiếp tục có những giải pháp tăng quy mô nền kinh tế, đầu tư phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng số đồng bộ và hiện đại hơn nữa cũng như chuẩn bị nguồn nhân lực đúng tầm với Trung tâm tài chính khu vực.

Image Full Page
Với mô hình đặc thù, chưa có tại Việt Nam, thành phố Đà Nẵng đang tìm kiếm các nguồn lực để chuẩn bị cho diện mạo, hình hài Trung tâm tài chính

Trên lộ trình trở thành Trung tâm tài chính khu vực, thương hiệu Đà Nẵng sẽ ghi danh trên bản đồ tài chính quốc tế, nghĩa là có được sự quan tâm của các trung tâm tài chính đã hoạt động lâu đời, qua đó có điều kiện thu hút các tập đoàn, tổ chức tài chính và nhà đầu tư toàn cầu, góp phần nâng cao vị thế của một thành phố phát triển.

Kết nối chuỗi cung ứng

Ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho rằng, mục tiêu của thành phố giai đoạn tới là tiếp tục triển khai hiệu quả các giải pháp phục hồi và tăng trưởng kinh tế - xã hội, tập trung vào du lịch và dịch vụ chất lượng cao, các nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, tạo sức cạnh tranh trên thị trường, trọng tâm là các ngành công nghiệp chế biến chế tạo; xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, hiện đại, bền vững, nâng cao giá trị gia tăng gắn với du lịch và đô thị. Vì vậy, Đà Nẵng tiếp tục đầu tư xây dựng kết cầu hạ tầng đồng bộ, có trọng điểm phù hợp với quy hoạch, tăng khả năng kết nối, liên kết vùng, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; đẩy mạnh phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số toàn diện; thu hút đầu tư theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, thu hút đầu tư vào khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung và các khu công nghiệp dự án lớn có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi cung ứng.

Image Full Page
Ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng và ông Phan Đức Trung, Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam ký kết Biên bản ghi nhớ Hợp tác Phát triển Trung tâm tài chính tại TP Đà Nẵng.

Bên cạnh đó, triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 136/2024/QH15 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố; bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội, giữ vững và tăng cường an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội; thực hiện hiệu quả chủ đề năm 2025 là “năm tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm, hành động và thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 136/2024/QH15 của Quốc hội”. Đà Nẵng khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm nguồn cung nguyên vật liệu trong nước, tham gia, hình thành các chuỗi cung ứng sản xuất nội địa nhằm đa dạng hóa nguồn cung và đặc biệt là nâng cao giá trị gia tăng đối với sản phẩm công nghiệp chế biến chế tạo. Đồng thời, triển khai đồng bộ công tác ngoại giao chính trị, ngoại giao quốc tế và ngoại giao văn hóa, thúc đẩy ngoại giao đa phương; phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế, khoa học và công nghệ; thực hiện tốt các chính sách an sinh, phúc lợi xã hội, lao động, việc làm, đào tạo nghề…

XUÂN QUỲNH - NGUYÊN KHÔI