Khi giấc mơ hóa thành biểu tượng

Được mệnh danh là “niềm tự hào” của Đà Nẵng, cầu Rồng không chỉ là công trình giao thông quan trọng mà còn là biểu tượng của sự phát triển, sức mạnh và khát vọng vươn xa của người dân thành phố. Tuy nhiên, ít ai biết rằng để có được cầu Rồng kiên cố, vững chãi như ngày hôm nay, là cả một hành trình dài đầy gian khó, trong đó, vai trò của những người thợ, kỹ sư và công nhân xây dựng là vô cùng quan trọng.

Image Full Page

Cầu Rồng được khởi công xây dựng vào ngày 19-7-2009, chính thức thông xe ngày 29-3- 2013 - đúng dịp kỷ niệm 38 năm giải phóng thành phố Đà Nẵng.

Cầu Rồng là cây cầu thứ 6 bắc qua dòng sông Hàn. Với thiết kế độc đáo, cầu Rồng đã được Hiệp hội Cầu đường thế giới công nhận là một trong những công trình có kiến trúc độc đáo, mới lạ, tạo nên nguồn cảm hứng đặc biệt về một thành phố đang chuyển mình mạnh mẽ, là biểu tượng mới của Đà Nẵng trong thời kỳ hội nhập và phát triển.

Image Full Page

Trước đó, từ cuối năm 2005, để chuẩn bị cho công trình cầu Rồng mang nhiều kỳ vọng, UBND thành phố đã tổ chức cuộc thi thiết kế kiến trúc cầu Rồng với sự tham gia của 8 đơn vị tư vấn thiết kế đến từ Việt Nam, Nhật Bản, Đức, Mỹ. Cuối cùng, phương án thiết kế cầu Rồng do công ty tư vấn Louis Berger Group, Inc.(Mỹ) trên ý tưởng thể hiện hình dáng rồng đang bay qua sông Hàn hướng ra biển lớn đã vượt qua 17 thiết kế khác và được lãnh đạo thành phố chọn lựa.

Đặc biệt, để cầu Rồng thêm sống động, biểu lộ dáng vóc lẫn thần sắc, cứ vào 9 giờ tối thứ 7, chủ nhật hàng tuần, “Rồng” sẽ phun lửa, phun mưa bằng công nghệ hiện đại, khiến cho sông Hàn thêm phần sống động, thu hút. Lửa sẽ được phun trước với 2 lượt, mỗi lượt 9 lần; và tiếp theo sau là phun nước với 3 lượt, mỗi lượt 1 lần. Điều này đã tạo dấu ấn riêng mỗi khi ai đó nhắc đến con Rồng độc nhất vô nhị bắc qua dòng Hàn giang đầy thơ mộng.

Để chuẩn bị cho công trình cầu Rồng mang nhiều kỳ vọng, UBND thành phố đã tổ chức cuộc thi thiết kế kiến trúc cầu Rồng với sự tham gia của 8 đơn vị tư vấn thiết kế đến từ Việt Nam, Nhật Bản, Đức, Mỹ

Công trình cầu Rồng sau khi hoàn thành đã trở thành một trong những sự kiện quan trọng, đáng nhớ của chính quyền và nhân dân thành phố Đà Nẵng. Nó đánh dấu một bước trưởng thành vượt bậc của đội ngũ cán bộ, kỹ sư công nhân Đà Nẵng nói riêng, Việt Nam nói chung trong việc làm chủ công nghệ thiết kế, thi công một dạng kết cấu cầu phức tạp và hiện đại của thế giới, sẵn sàng đảm đương tốt các hạng mục mới, có tính chất khó khăn, phức tạp của ngành xây dựng.

Đồng thời với hình dáng con rồng vươn mình ra biển cùng khả năng phun lửa và nước, cầu Rồng được đánh giá là cây cầu có kiến trúc độc đáo, đẹp, hài hòa với cảnh quan xung quanh, phục vụ đắc lực nhu cầu đi lại và tham quan của nhân dân Đà Nẵng và du khách thập phương, góp phần khẳng định vị thế của thành phố Đà Nẵng là Trung tâm kinh tế - chính trị - văn hóa – xã hội của khu vực miền Trung-Tây Nguyên, đồng thời thúc đẩy ngành du lịch của thành phố ngày càng phát triển.

Câu chuyện của những trái tim đầy đam mê và nhiệt huyết

Hành trình thi công cầu Rồng bắt đầu từ năm 2009 và kéo dài hơn 4 năm để công trình hoàn thiện, đưa vào sử dụng. Trong suốt thời gian đó, các kỹ sư và công nhân không chỉ làm việc dưới điều kiện thời tiết khắc nghiệt mà còn phải đối mặt với nhiều vấn đề gian nan, thử thách khác. Họ phải trải qua nhiều đêm không ngủ để kiểm tra, thử nghiệm và sửa chữa, bởi bất kỳ sai sót nhỏ nào cũng có thể ảnh hưởng đến sự an toàn của công trình.

Trong những buổi tối đêm, dưới ánh đèn công trường, những người thợ không chỉ làm việc mà còn mơ về một ngày cầu Rồng sẽ bay lên, vươn mình trên bầu trời Đà Nẵng.

Trong suốt thời gian thi công cầu Rồng, các kỹ sư và công nhân không chỉ làm việc dưới điều kiện thời tiết khắc nghiệt mà còn phải đối mặt với nhiều vấn đề gian nan, thử thách khác

Nguyên là Giám đốc Ban quản lý dự án cầu Rồng, với ông Phạm Trường Sơn (nay là Phó Bí thư Đảng ủy Các cơ quan Đảng thành phố), Cầu Rồng không chỉ là một công trình giao thông, mà còn là câu chuyện của những trái tim đầy đam mê và nhiệt huyết, những người đã biến khát vọng thành hiện thực.

Ông Sơn cho biết, khoảng thời gian được gắn bó, cống hiến không chỉ sức lực mà cả tâm huyết của mình để tạo nên một công trình mang đậm dấu ấn của thời đại là thời gian đẹp nhất trong đời mỗi cán bộ, kỹ sư, người lao động của Ban quản lý dự án cầu Rồng.

Thời điểm xây dựng cầu Rồng, các kỹ sư phải làm việc với nhiều mô hình kết cấu xây dựng mới lạ

Theo ông Sơn, bất kỳ công trình, dự án nào cũng có những áp lực riêng và hơn hết là kỳ vọng của lãnh đạo, chính quyền, Nhân dân thành phố và doanh nghiệp.

Thời điểm xây dựng cầu Rồng, các kỹ sư phải làm việc với nhiều mô hình kết cấu xây dựng mới lạ, lần đầu tiên được trực tiếp tham gia như: dầm thép tổ hợp, vòm thép, vòm bê tông, vòm thuận, vòm ngược, nhiều tổ hợp liên kết trong kết cấu,…

“Các kết cấu này có thể không khó đối với kỹ sư ở nước ngoài, nơi mà điều kiện nghiên cứu, thực nghiệm luôn sẵn sàng, nhưng đối với các kỹ sư trong nước, đây thật sự là thử thách nghề nghiệp lớn lao, đòi hỏi họ phải tìm tòi, liên hệ từ nhiều nguồn để có thể nắm bắt được công nghệ”, ông Sơn chia sẻ.

Ông Sơn cho biết, cầu Rồng sử dụng công nghệ sản xuất dầm tổ hợp và vòm thép cường độ cao. Khối lượng dầm thép yêu cầu là 3.900 tấn, vòm là 1.600 tấn (chưa tính các cấu kiện phụ trợ như công-son thép, vẩy Rồng, đầu và đuôi Rồng,…) với yêu cầu thép theo tiêu chuẩn quốc tế.

Việc sản xuất và lắp đặt một khối lượng thép cấu kiện tổ hợp lên đến 5.000 tấn cho cầu Rồng là một trong những thử thách lớn đối với ngành xây dựng tại Việt Nam. Điều này không chỉ đòi hỏi kỹ thuật cao mà còn yêu cầu sự phối hợp nhịp nhàng giữa các kỹ sư và công nhân cơ khí, nhất là trong bối cảnh yêu cầu chất lượng, tiêu chuẩn nghiệm thu của dự án cực kỳ khắt khe và thời gian thi công lại rất gấp gáp.

Việc sản xuất và lắp đặt một khối lượng thép cấu kiện tổ hợp lên đến 5.000 tấn cho cầu Rồng là một trong những thử thách lớn đối với ngành xây dựng tại Việt Nam thời điểm đó

Một trong những yếu tố làm nên sự đặc biệt của cầu Rồng chính là công nghệ sản xuất vòm theo phương pháp đa giác nội tiếp, một kỹ thuật hiện đại lần đầu tiên được ứng dụng trong công trình cầu vòm thép tại Việt Nam. Quá trình này yêu cầu sự kết hợp tinh tế giữa công nghệ, kỹ thuật và tay nghề để tạo ra những đoạn ống thép thẳng, sau đó tổ hợp chúng lại thành vòm có đường cong trơn, phù hợp với yêu cầu thiết kế của cầu.

Đây là một phương pháp mới, yêu cầu sự chính xác cao trong từng bước gia công, từ việc tạo hình các đoạn ống thép cho đến việc lắp ghép chúng thành vòm. Tuy nhiên, chính nhờ sự kiên trì và tay nghề của đội ngũ kỹ sư và công nhân mà công trình cầu Rồng đã hoàn thành một cách xuất sắc, đưa công nghệ này vào ứng dụng thực tế.

Ngoài ra, công trình cầu Rồng, với sự phức tạp trong thiết kế và quy mô lớn, đòi hỏi quá trình vận chuyển và lắp dựng các cấu kiện thép phải được thực hiện một cách chính xác và an toàn. Các cấu kiện thép, bao gồm dầm thép và vòm thép, được sản xuất thành từng mo-đun tại công xưởng cách công trình khoảng 10km. Sau đó, chúng được vận chuyển bằng cả đường thủy và đường bộ về để lắp dựng tại công trình.

Để vận chuyển các cấu kiện thép lớn như dầm thép và vòm thép, một hệ thống thanh ray và cầu cảng tạm đã được lắp đặt tại công trường. Đây là một công việc vô cùng quan trọng để đảm bảo các cấu kiện có thể được đưa lên xà lan và vận chuyển an toàn bằng đường thủy. Các kỹ sư đã lựa chọn thời điểm thủy triều thích hợp để thực hiện công đoạn nâng và hạ dầm vào vị trí bằng long môn (một thiết bị chuyên dụng có khả năng nâng đỡ và điều chỉnh các cấu kiện thép nặng lên đến hàng trăm tấn).

Cầu Rồng - Dấu ấn kiến trúc độc đáo trên sông Hàn

Sau khi các dầm thép được đưa vào vị trí, chúng được liên kết với nhau thông qua 140.000 con bu-lông cường độ cao, đảm bảo độ chắc chắn và tính liên kết cần thiết cho cấu trúc. Việc lắp dựng và liên kết dầm thép này đòi hỏi sự chính xác tuyệt đối để đảm bảo kết cấu chịu lực tốt và ổn định trong suốt thời gian sử dụng.

Đối với phần vòm cầu, các phân đoạn thép được chia thành từng khối có chiều dài từ 8m đến 16m, và được nâng lên tại hiện trường để lắp ghép. Quá trình này không chỉ đòi hỏi sự chuẩn xác trong việc lắp đặt mà còn cần phải đảm bảo tính liên kết vững chắc giữa các phân đoạn. Mỗi mối hàn giữa các phân đoạn vòm thép đều được thực hiện tại chỗ và phải tuân thủ các quy trình kỹ thuật nghiêm ngặt.

“Ngoài những công nghệ trên, rất nhiều các công nghệ đặc biệt khác đã được đề xuất và ứng dụng thành công. Cầu Rồng không chỉ là một công trình giao thông mà còn là minh chứng rõ rệt cho sự trưởng thành và khả năng sáng tạo không ngừng nghỉ của đội ngũ kỹ sư, công nhân cơ khí tại Việt Nam”, ông Sơn bày tỏ.

Cứ vào 9 giờ tối thứ Bảy, Chủ Nhật hàng tuần, “Rồng” sẽ phun lửa, phun mưa bằng công nghệ hiện đại, khiến cho sông Hàn thêm phần sống động, thu hút

Nhớ về 1.345 ngày (2009-2013) gắn bó với dự án, mỗi ngày trôi qua đều đọng lại trong ông những kỷ niệm sâu đậm. Ông kể, thời điểm xây dựng cầu Rồng, cố Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh thường xuyên kiểm tra, cho chỉ thị để công trình bám sát ý tưởng ban đầu của dự án và chấn chỉnh những thiếu sót của các đơn vị.

“Chúng tôi nhớ mãi những hình ảnh của cố Bí thư Thành ủy trong tiết trời khắc nghiệt của thành phố vẫn ưu tư với hình hài Rồng để đưa ra ý tưởng đầu, đuôi và hình thức phun nước phun lửa, hết sức sâu sát. Và đợt Tết Quý Tỵ 2013, sau nhiều năm liền không nghỉ Tết, nhà thầu dự định cho công nhân tạm dừng công việc khi các hạng mục chính đã hoàn thành. Tuy nhiên, nhiều hạng mục phụ thuộc vào điều kiện thời tiết, như sơn hoàn thiện, bê tông mặt cầu và đường dẫn, trong khi dự báo sau Tết thời tiết sẽ diễn biến bất lợi. Trước tình hình đó, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Đặng Việt Dũng (lúc bấy giờ) đã triệu tập cuộc họp giao ban, đưa ra những phân tích sâu sắc và đầy tâm huyết. Ông khơi dậy tinh thần trách nhiệm, kêu gọi mọi người hy sinh vì mục tiêu chung, đặt tiến độ và chất lượng công trình lên hàng đầu. Nhờ vậy, nhiều hạng mục quan trọng đã được hoàn thành đúng kế hoạch, đảm bảo chất lượng và tiến độ đề ra”, ông Sơn xúc động.

Gần 1 thập kỷ trôi qua, ông Sơn vẫn không bao giờ quên được ngày cầu Rồng chính thức khánh thành, người dân thành phố và du khách đứng ngắm nhìn cây cầu phun lửa, phun nước rực rỡ, cùng với ánh sáng lung linh phản chiếu trên dòng sông Hàn. Đó là giây phút mà những người kỹ sư, công nhân không chỉ cảm thấy vỡ òa niềm tự hào, mà còn là minh chứng cho sự vất vả, khó khăn đã được đền đáp xứng đáng.

THỦY THANH - KHÁNH NHI