Con số và Sự kiện

Hãy cùng chúng tôi nhìn lại chặng đường phát triển của Đà Nẵng qua những con số ấn tượng, phản ánh dấu ấn lịch sử, thành tựu và sự đổi mới không ngừng của thành phố trong suốt nửa thế kỷ qua.

💡 Nhấp vào từng thông tin bên dưới để mở hoặc đóng nội dung chi tiết!
01
Đây là số Di sản tư liệu khu vực châu Á – Thái Bình Dương của Đà Nẵng: Mai nhai Ngũ Hành Sơn. »
Tháng 11/2022, UNESCO công nhận Ma nhai Ngũ Hành Sơn là Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á – Thái Bình Dương, đánh dấu bước tiến quan trọng trong công tác bảo tồn di sản của Đà Nẵng.
Ma nhai Ngũ Hành Sơn là hệ thống văn tự khắc trên vách đá tại danh thắng Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng, gồm 78 văn bản chữ Hán và chữ Nôm có niên đại từ thế kỷ XVII đến XX. Đây là nguồn tư liệu quý về lịch sử, văn hóa, tôn giáo và sự giao thoa văn hóa Việt Nam với Trung Hoa, Nhật Bản.
02
Số Di tích quốc gia đặc biệt của thành phố, bao gồm Thành Điện Hải và Danh thắng Ngũ Hành Sơn »
- Thành Điện Hải là di tích có giá trị đặc biệt trong những ngày đầu người dân Đà Nẵng đứng dậy chống lại cuộc tấn công của liên quân Pháp - Tây Ban Nha vào năm 1858. Thành Điện Hải ngay từ buổi đầu kháng Pháp đã góp phần tạo nên chiến thắng huy hoàng, đẩy lui quân Pháp về mặt chiến lược.
- Di tích danh thắng Ngũ Hành Sơn gồm 6 núi đá vôi có tên: Kim Sơn, Mộc Sơn, Thủy Sơn, Thổ Sơn, Dương Hỏa Sơn và Âm Hỏa Sơn. Khu quần thể có nhiều hang động đẹp như: động Huyền Không, động Huyền Vi, động Vân Thông… cùng nhiều ngôi chùa có tuổi đời hàng trăm năm tuổi, như: Tam Thai, Linh Ứng.
Ngoài đạo Phật, tại Ngũ Hành Sơn còn có nhiều hiện vật quý về văn hóa người Chăm, đạo Mẫu, Bà La Môn…
03
Số Khu bảo tồn thiên nhiên, khu Bảo vệ cảnh quan bao gồm: Bán đảo Sơn Trà, Khu bảo tồn thiên nhiên Bà Nà - Núi Chúa và Khu Bảo vệ cảnh quan Nam Hải Vân »
- Bán đảo Sơn Trà
Bán đảo Sơn Trà, còn gọi là "lá phổi xanh" của Đà Nẵng, là khu bảo tồn thiên nhiên với hệ sinh thái đa dạng, nổi bật là voọc chà vá chân nâu – loài linh trưởng quý hiếm. Nằm ở độ cao trung bình 350m so với mực nước biển, nơi đây có rừng nguyên sinh, bờ biển đẹp cùng nhiều điểm tham quan như chùa Linh Ứng, đỉnh Bàn Cờ. Sơn Trà không chỉ là điểm du lịch hấp dẫn mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường.
- Khu bảo tồn thiên nhiên Bà Nà - Núi Chúa
Khu bảo tồn thiên nhiên Bà Nà - Núi Chúa nằm ở độ cao hơn 1.400m, có khí hậu mát mẻ quanh năm với hệ sinh thái đa dạng. Đây là nơi sinh sống của nhiều loài động, thực vật quý hiếm như sao la, gấu ngựa, sơn dương. Ngoài ý nghĩa bảo tồn, Bà Nà còn nổi tiếng với khu du lịch Bà Nà Hills, thu hút du khách bởi cảnh quan hùng vĩ, những công trình ấn tượng như Cầu Vàng, làng Pháp và hệ thống cáp treo dài nhất thế giới.
- Khu Bảo vệ cảnh quan Nam Hải Vân
Nam Hải Vân là khu bảo vệ cảnh quan quan trọng, nằm ở phía nam dãy Hải Vân, giáp ranh giữa Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế. Khu vực này sở hữu hệ sinh thái rừng phong phú, kết hợp giữa rừng nguyên sinh và hệ động thực vật đa dạng. Với địa hình núi non hùng vĩ, Nam Hải Vân còn có vai trò quan trọng trong phòng hộ, điều hòa khí hậu và bảo vệ nguồn nước.
04
Số lượng các Khu CNTT tập trung »
Hiện Đà Nẵng có 4 Khu CNTT tập trung đang hoạt động, gồm:
- Khu Công viên phần mềm Đà Nẵng số 1;
- Khu Công viên phần mềm số 2;
- Khu CNTT tập trung Đà Nẵng;
- Khu FPT Complex.
06
Đà Nẵng là một trong 6 thành phố trực thuộc Trung ương của Việt Nam »
+ Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Hải Phòng, Thành phố Đà Nẵng, Thành phố Cần Thơ và Thành phố Huế.
06
Đây cũng là số lượng cây cầu bắc qua sông Hàn, gồm cầu Tiên Sơn, cầu Trần Thị Lý, cầu Nguyễn Văn Trỗi, cầu Rồng, cầu Sông Hàn và cầu Thuận Phước »
- Cầu Tiên Sơn
Cầu Tiên Sơn đóng vai trò quan trọng trong việc giảm tải giao thông giữa trung tâm và khu vực phía Nam thành phố. Với thiết kế đơn giản nhưng vững chắc, cầu góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, đặc biệt là khu công nghiệp Hòa Cầm.
- Cầu Trần Thị Lý
Cầu Trần Thị Lý gây ấn tượng với kiến trúc dây văng nghiêng độc đáo, trông như cánh buồm căng gió trên sông Hàn. Không chỉ giúp lưu thông thuận lợi, cầu còn là điểm check-in lý tưởng, nhất là vào ban đêm khi hệ thống đèn LED đổi màu rực rỡ.
- Cầu Nguyễn Văn Trỗi
Là cây cầu lâu đời nhất bắc qua sông Hàn, cầu Nguyễn Văn Trỗi mang đậm dấu ấn lịch sử. Hiện nay, cầu chỉ dành cho người đi bộ và xe đạp, trở thành không gian thư giãn, ngắm cảnh sông Hàn và lưu giữ nét hoài niệm về Đà Nẵng xưa.
- Cầu Rồng
Cầu Rồng nổi bật với thiết kế hình rồng vàng uốn lượn, có khả năng phun lửa và nước vào cuối tuần, thu hút du khách. Cây cầu không chỉ là điểm nhấn du lịch mà còn góp phần kết nối giao thông giữa trung tâm và bãi biển phía đông Đà Nẵng.
- Cầu Sông Hàn
Là cây cầu quay duy nhất ở Việt Nam, cầu Sông Hàn mang ý nghĩa đặc biệt, thể hiện sự phát triển năng động của Đà Nẵng. Cầu giúp lưu thông dễ dàng giữa hai bờ sông Hàn, đồng thời là điểm tham quan hấp dẫn vào ban đêm khi hệ thống đèn chiếu sáng rực rỡ.
- Cầu Thuận Phước
Là cây cầu dây võng dài nhất Việt Nam, cầu Thuận Phước nối trung tâm Đà Nẵng với bán đảo Sơn Trà, giúp giao thông thuận tiện và phát triển du lịch ven biển. Với thiết kế hiện đại, cây cầu trở thành biểu tượng của thành phố, đặc biệt lung linh về đêm.
06
Bãi biển Mỹ Khê của Đà Nẵng được tạp chí Forbes bình chọn là một trong 6 bãi biển quyến rũ nhất hành tinh »
Mỹ Khê đáp ứng đầy đủ các tiêu chí bình chọn cơ bản của Forbes như: bãi biển thuận tiện về giao thông, bãi biển mở miễn phí cho du khách, có bờ cát dài và phẳng, ánh nắng và mức sóng phù hợp cho việc chơi các môn thể thao, có khả năng đảm bảo an toàn cho du khách, có các khu nghỉ dưỡng hạng sang, các biệt thự đạt tiêu chuẩn quốc tế...
07
Thành phố sở hữu 7 Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia, bao gồm nghệ thuật Tuồng xứ Quảng, nghề đá Non Nước Ngũ Hành Sơn, nghề làm nước mắm Nam Ô, Lễ hội Cầu ngư Đà Nẵng, nghệ thuật bài Chòi, Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn và nghề làm bánh tráng Túy Loan »
- Nghệ thuật Tuồng xứ Quảng
Tuồng xứ Quảng (Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ngãi), xuất hiện và phát triển từ đầu thế kỷ 17 đến cuối thế kỷ 18. Một vở Tuồng được diễn trước công chúng là sự kết hợp của nhiều yếu tố nghệ thuật như: kịch bản, âm nhạc, múa, nghệ thuật hóa trang, phục trang. Kịch bản Tuồng có thể chia làm 4 loại: Tuồng cổ, Tuồng hàn lâm - Tuồng cung đình, Tuồng dân gian và Tuồng hài. Cấu trúc kịch bản Tuồng được chia thành nhiều hồi, mỗi hồi có nhiều lớp. Nghệ thuật Tuồng xứ Quảng đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi vào Danh mục Di sản Văn hóa Phi vật thể cấp quốc gia năm 2015 với những giá trị sở hữu rất độc đáo.
- Nghề đá Non nước Ngũ Hành Sơn
Nghề này bắt đầu từ thế kỷ 17. Khi đó, những nghệ nhân tài hoa từ Thanh Hóa đã di cư vào vùng đất này, mang theo kỹ thuật chế tác đá tinh xảo. Theo thời gian, với sự phát triển và giao thoa văn hóa, làng nghề Non Nước bắt đầu tạo ra những sản phẩm đá mỹ nghệ phong phú và tinh xảo hơn. Những tác phẩm đá không chỉ là các vật dụng thông thường mà còn là những bức tượng, phù điêu, và các đồ trang trí mang giá trị nghệ thuật cao. Làng đá mỹ nghệ Non Nước được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản Văn hóa phi Vật thể cấp Quốc gia năm 2014.
- Nghề làm nước mắm Nam Ô
Làng nghề truyền thống nước mắm Nam Ô (phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng) là làng nghề truyền thống nức tiếng lâu đời của địa phương, tương truyền thời xưa là sản phẩm được dùng để tiến Vua. Làng nghề đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận Di sản Phi Vật thể Quốc gia vào tháng 8-2019 và được thành phố Đà Nẵng định hướng phát triển sản phẩm truyền thống gắn với du lịch cộng đồng. Ngày 27-6-2024, diễn ra Lễ công bố quyết định, đón nhận văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Nam Ô” cho sản phẩm nước mắm Nam Ô của Đà Nẵng. Đây là chỉ dẫn địa lý đầu tiên của thành phố Đà Nẵng và cũng là 1 trong 3 chỉ dẫn địa lý về sản phẩm nước mắm trên cả nước, gồm nước mắm Phú Quốc, nước mắm Phan Thiết và nước mắm Nam Ô.
- Lễ hội Cầu ngư Đà Nẵng
Từ bao đời nay, Lễ hội Cầu ngư là một sản phẩm văn hóa đặc trưng của cộng đồng cư dân vùng biển Trung Bộ và Nam Bộ Việt Nam, gắn với tín ngưỡng thờ cúng cá Ông. Đối với đời sống cộng đồng cư dân biển, Lễ hội Cầu ngư là lễ trọng lớn nhất trong năm, vì đây là lễ hội cầu mùa-cầu ngư hay lễ tế ngư thần và cầu xin thần ban cho một năm “trời yên biển lặng, tôm cá đầy khoang”… Lễ hội Cầu ngư tại thành phố Đà Nẵng được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia năm 2016.
- Nghệ thuật bài Chòi
Nghệ thuật Bài chòi ở Đà Nẵng được lưu giữ tập trung ở quận Cẩm Lệ, quận Sơn Trà, Liên Chiểu, Ngũ Hành Sơn, nhất là ở huyện Hòa Vang. Chơi-đánh-hô-hát là bốn tên gọi để diễn tả một loại hình nghệ thuật dân gian: Bài chòi. Nghệ thuật Bài chòi ở Đà Nẵng mang đậm chất sân khấu nhỏ, đầy tính ngẫu hứng, thể hiện cốt cách, đặc trưng văn hóa của cư dân địa phương, lưu giữ phương ngữ, phong tục, tập quán trong các câu hô/hát Bài chòi. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận Nghệ thuật Bài chòi ở thành phố Đà Nẵng là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2016.
- Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn
Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn (còn gọi là Lễ hội Quán Âm) được hình thành từ việc Hòa thượng Thích Pháp Nhãn (người khai sơn chùa Quán Thế Âm) phát hiện một pho tượng Quán Thế Âm bằng thạch nhũ, tay cầm bình Cam Lồ, hoàn toàn thiên tạo, rất hoàn chỉnh, cao bằng người thật trong một hang động tại núi Kim Sơn - một trong năm ngọn núi thuộc Ngũ Hành Sơn. Hòa thượng đặt tên là động Quan Âm, đồng thời, ngài cho lập một ngôi chùa ngay sát hang động, tựa lưng vào núi Kim Sơn và đặt tên là chùa Quán Thế Âm để xưng tụng quả vị Quán Thế Âm. Nhằm đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của Phật tử và cộng đồng địa phương, các vị Chư Tôn Đức Phật giáo lúc bấy giờ đã thống nhất chọn ngày 19 tháng Hai (Âm lịch) hằng năm (Ngày Đản sanh của Ngài), các chùa trên địa bàn Ngũ Hành Sơn hội tụ tại chùa Quán Thế Âm cùng tổ chức Ngày lễ vía Đức Phật Quán Thế Âm và xem đây như một chốn tổ thờ tự Ngài. Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 601/QĐ-BVHTTDL ngày 03-02-2021.
- Nghề làm bánh tráng Túy Loan
Làng nghề bánh tráng Tuý Loan nằm trong làng cổ Tuý Loan, xã Hoà Phong, huyện Hoà Vang, thành phố Đà Nẵng có tuổi đời khoảng 500 năm. Hiện, ở xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang còn 15 hộ gia đình duy trì nghề làm bánh tráng truyền thống, tập trung chủ yếu ở thôn Túy Loan. Bánh tráng Túy Loan được làm hoàn toàn bằng thủ công và người dân tại làng chỉ làm một loại bánh tráng nướng. Bánh tráng chủ yếu làm bằng bột gạo và các nguyên liệu khác như mè (vừng trắng), gừng, tỏi, đường, nước mắm, muối…, tạo nên hương vị đặc trưng riêng. Làng nghề truyền thống Nghề làm bánh tráng Túy Loan được ghi danh vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2024.
08
Số đơn vị hành chính cấp quận/huyện của Đà Nẵng, với 6 quận và 2 huyện. »
- 6 quận: Hải Châu, Thanh Khê, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, Liên Chiểu, Cẩm Lệ
- 2 huyện: Hoà Vang, Hoàng Sa
14
Là số lần liên tiếp Đà Nẵng dẫn đầu cả nước về chỉ số ứng dụng CNTT »
Ngày 25-8-2024, Cục Công nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) phối hợp Hội Tin học Việt Nam vừa công bố báo cáo Chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông Việt Nam (ICT Index) năm 2023. Theo đó, Đà Nẵng tiếp tục dẫn đầu với 0,8485/1 điểm. Như vậy, đây là lần thứ 14 Đà Nẵng dẫn đầu cả nước về chỉ số ICT Index. Trước đó, Đà Nẵng dẫn đầu liên tiếp 12 năm (2009-2020) và năm 2022. Riêng chỉ số ICT Index năm 2021 thì ban tổ chức không thực hiện khảo sát và xếp hạng.
17
Đây là tổng số Di tích quốc gia hiện có trên địa bàn thành phố »
Nghĩa trủng Phước Ninh, Bia chùa Long Thủ, Đình Nại Nam, Đình Bồ Bản, Đình Tuý Loan, Nghĩa trủng Hoà Vang, Nhà thờ chư phái tộc Quá Giáng, Mộ danh nhân Ông Ích Khiêm, Đình và Nhà thờ chư phái tộc Hải Châu, Nhà thờ tiền hiền làng An Hải và Thoại Ngọc Hầu, Đình Thạc Gián, Mộ Đỗ Thúc Tịnh, Địa điểm nhà Mẹ Nhu và Bảy Dũng sĩ Thanh Khê, Khu căn cứ cách mạng K.20, Mộ và miếu thờ Ông Ích Đường, Căn cứ Huyện ủy Hòa Vang, Hải Vân Quan.
67
Số lượng Di tích cấp thành phố được công nhận tại Đà Nẵng »
Đình Mỹ Khê, Đình Dương Lâm, Đình Trung Nghĩa, Đình Nam Thọ, Nhà thờ tộc Đặng, Đình Xuân Lộc, Đình Phước Thuận, Đình Trung Lương, Đình An Hải, Miếu Hàm Trung, Đình Thạch Nham, Đình và Nhà thờ tiền hiền Lỗ Giáng, Đình Tùng Lâm, Đình Đại La, Đình Phong Lệ, Đình Xuân Dương, Đình Trước Bàu, Đình Phong Lệ Bắc, Đình Cẩm Toại, Trường Tiểu học An Phước, Đình Mân Quang, Đình Thanh Khê Đình Hoà An, Địa điểm thành lập chi bộ Phổ Lỗ Sỹ, Nhà thờ tộc Thái, Đình Phú Hòa, Nhà thờ tiền hiền làng Nại Hiên, Đình Thái Lai, Chứng tích tội ác Giáng Đông, Đình Đà Sơn, Đình An Ngãi Đông, Đình Phước Hưng, Đình Khuê Bắc, Đình Hoà Mỹ, Miếu Cây Sung, Nhà thờ tập linh nghề cá làng Thanh Khê, Đình làng Hưởng Phước, Đình Phú Thượng Lăng Ông Kim Liên, Đình Yến Nê, Đình Hòa Khương, Khu di tích lịch sử - văn hóa làng Mân Quang, Đình Quá Giáng, Đình Cổ Mân, Đình Thanh Vinh, Nhà thờ tộc Đinh, Đình Hòa Phú, Đình Đa Phước, Khu chứng tích sự kiện 45 em học sinh Trường tiểu học Mân Quang, Đình Phước Trường, Đình Nại Hiên Đông, Đình Xuân Thiều, Căn cứ lõm B1 Hồng Phước, Mộ Thủy tổ tộc Huỳnh Đức, Mộ Thống chế Lê Văn Hoan, Miếu Tam Vị, Địa điểm chiến thắng Gò Hà, Di chỉ khảo cổ Chăm Phong Lệ, Cụm di tích lịch sử Nam Ô, Bảo tàng điêu khắc Chăm Đà Nẵng, Đình Vân Dương, Đền tưởng niệm Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Liệt sĩ phường Hòa Hiệp Nam, Mộ ngài Tiền hiền Phan Công Thiên, Mộ Bình hương xử sĩ Mạc Trường Thành, Đình Hương Lam, Đền thờ Bà Thân hạ xứ, Văn chỉ La Châu, Đình Cẩm Nê.
903
Số căn nhà tạm, nhà dột nát được xây mới »
Thực hiện Kế hoạch số 06/KH-BCĐ của Ban Chỉ đạo Thành ủy về công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, ước tính đến cuối tháng 02-2025, thành phố đã thực hiện 903 nhà, kinh phí đạt 30,665 tỷ đồng.
1820
Số Dự án đầu tư »
Lũy kế đến nay, thành phố có 386 dự án đầu tư trong nước ngoài các KCN, khu CNC, khu CNTT với tổng vốn đầu tư là 274.764,804 tỷ đồng, 398 dự án trong nước trong các KCN, khu CNC, khu CNTT với vốn đầu tư đăng ký 35.822,32 tỷ đồng, 01 dự án trong nước (đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng KCN Hoà Ninh), vốn đầu tư đăng ký 6.203,5 tỷ đồng và 1.035 dự án có nguồn vốn đầu tư FDI với tổng vốn đầu tư hơn 4,584 tỷ USD.
26.819
Là Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn sơ bộ năm 2024 »
Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn sơ bộ năm 2024 đạt 26.819 tỷ đồng, tăng 31,2% so với năm 2023, trong đó, thu ngân sách trung ương đạt 6.635 tỷ đồng, tăng 23,3%; thu ngân sách địa phương đạt 20.184 tỷ đồng, tăng 34,0%.
151.300
Quy mô kinh tế Đà Nẵng năm 2024 đạt hơn 151.300 tỷ đồng »
Quy mô nền kinh tế thành phố trong năm 2024 theo giá hiện hành ước đạt hơn 151.307 tỷ đồng, mở rộng gần 17.086 tỷ đồng so với năm 2023. Trong đó, quy mô VA khu vực dịch vụ mở rộng nhiều nhất với 12.993 tỷ đồng; khu vực công nghiệp - xây dựng mở rộng 2.663 tỷ đồng; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản mở rộng gần 93 tỷ đồng và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng thêm 1.367 tỷ đồng. Xét trên phạm vi cả nước, quy mô GRDP của Đà Nẵng năm 2024 tiếp tục duy trì vị trí thứ 17/63 tỉnh, thành phố và dẫn đầu các tỉnh, thành phố khu vực Duyên hải Nam Trung bộ4. Mật độ kinh tế tính trên 01 km2 ước đạt 154,4 tỷ đồng trong năm 2024.
Cổng TTĐT thành phố